Xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt lá khát

Trần Minh Giang| 01/04/2017 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước sự nguy hiểm của lá khát và tình trạng thẩm lậu lá khát ngày càng nhiều vào VN, nhằm tăng cường tính răn đe và trừng phạt đối với các tội danh về ma túy dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã có những quy định chặt chẽ hơn...

Trong xử lý hình sự tội tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt lá khát.

Lá khát là ma túy cực kỳ nguy hiểm

Lá "khát" (hay Kat, Qat, Ghat hoặc Chat - tên khoa học Catha edulis) còn được gọi với cái tên mĩ miều là lá "Thiên đường", đây là loại cây bụi trồng lâu năm trông giống lá chè, có vị chát và ngọt nhẹ. Lá khát mang lại lợi nhuận cao, được sử dụng và buôn bán ở nhiều nước châu Phi, vùng Nam Ả Rập. Ở nhiều nước châu Phi, người ta sử dụng lá khát để nhai (giống như nhai trầu ở Việt Nam); họ còn phơi khô, chế biến thành nước để uống như uống cà phê. Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu đã liệt lá khát vào danh mục ma túy cực kỳ nguy hiểm.

Theo các nghiên cứu, lá khát có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Nguy hiểm hơn, từ lá khát có thể tinh chế thành chất ma túy cathinone, từ chất này có thể tổng hợp với chất amphetamine thành loại ma túy có tên gọi là flakka. Đây là loại ma túy có dạng như tinh thể muối, màu trắng hay hồng nhạt, tác dụng gây kích thích của nó rất mạnh, khó cai nghiện, rất nguy hiểm cho con người. Nó tàn phá cơ thể của người sử dụng, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến sự phân hủy của các tế bào cơ xương, suy thận và khả năng dẫn đến tử vong cũng rất cao. Người nào khi sử dụng lá khát sẽ có cảm giác hưng phấn hoặc lo âu phiền muộn, rối loạn giấc ngủ, tạo ra ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có các hành vi bất thường, tăng ham muốn tình dục, hoảng loạn cực đoan, bạo lực, muốn tự tử và tấn công người khác... bởi loại lá này có chứa chất cathinone - một chất kích thích giống ma túy tổng hợp amphetamine, nhưng có tác dụng nhanh hơn (khoảng 15 phút sau khi nhai, so với 30 phút nếu dùng amphetamine).

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ hàng tấn lá khát vận chuyển trái phép từ châu Phi qua đường hàng không hoặc đường bưu chính quốc tế để tuồn vào nước ta. Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an đã lấy mẫu phân tích và kết luận đây là loại ma túy nguy hiểm đến sức khỏe, có thể gây ảo giác gấp nhiều lần ma túy đá, thậm chí dẫn đến liệt não và tử vong. Trước tình trạng hoạt động vận chuyển trái phép thảo mộc khô có chứa chất ma túy (trong đó có lá khát) vào nước ta diễn biến phức tạp, có tổ chức, quy mô lớn và phạm vi rộng trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, các cơ quan chức năng đã tăng cường đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, giám sát các nguồn hàng đến Việt Nam để phát hiện và xử lý, không để thẩm lậu ma túy vào nội địa gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Quy định cây lá khát là chất ma túy trong BLHS

Trước sự nguy hiểm của lá khát và tình trạng thẩm lậu lá khát ngày càng nhiều vào Việt Nam, BLHS năm 2015 đã bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện (các điều từ 248 đến 252) trong đó có lá khát. Chính phủ cũng bổ sung chất ma tuý XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục II và lá cây khát (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I của Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ vào BLHS năm 2015. Nhằm tăng cường tính răn đe và trừng phạt đối với các tội danh về ma túy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã có những quy định chặt chẽ hơn trong xử lý hình sự tội tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt lá khát.

Xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt lá khát

2,5 tấn lá khát đóng gói trong thùng các tông thẩm lậu vào Việt Nam bị Cục Hải quan Hà Nội bắt giữ

Tại Điều 249 về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 quy định người nào tàng trữ trái phép lá cây khát có khối lượng từ 1 kilôgam đến dưới 10 kilôgam mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm; khối lượng từ 75 kilôgam trở lên bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 250 về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy quy định người nào vận chuyển trái phép lá cây khát có khối lượng từ 1 kilôgam đến dưới 10 kilôgam mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; có khối lượng từ 25 kiôgam đến dưới 75 kilôgam bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; có khối lượng 75 kilôgam trở lên bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tội mua bán trái phép chất ma túy tại Điều 251 của dự thảo Luật quy định người nào mua bán trái phép chất ma túy (trong đó có lá cây khát) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; mua bán trái phép lá cây khát có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; có khối lượng 75 kilôgam trở lên bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc từ hình.

Sửa đổi, bổ sung Điều 252 BLHS về Tội chiếm đoạt chất ma túy, theo đó người nào chiếm đoạt lá cây khát có khối lượng từ 1 kilôgam đến dưới 10 kilôgam dưới bất cứ hình thức nào thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm; có khối lượng 75 kilôgam trở lên bị phạt tù 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Những người phạm tội tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt lá khát còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 quy định là khát là chất ma túy và chế tài xử lý hình sự nghiêm khắc đối với các tội danh liên quan đến tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt lá khát đã được các chuyên gia pháp lý, các cơ quan tiến hành tố tụng và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, nhằm đáp ứng có hiệu quả quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt lá khát