Xây dựng Luật Tố tụng lao động riêng biệt hay quy định đặc thù trong BLTTDS?

Hoàng Hạnh| 01/10/2015 05:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Tố tụng lao động riêng biệt hay chỉ xây dựng quy định đặc thù trong BLTTDS hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin được nêu ra hai loại ý kiến sau đây để bạn đọc cùng tham khảo.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần xây dựng Luật Tố tụng lao động độc lập với BLTTDS, vì tranh chấp về lao động có những đặc thù riêng so với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại. Những đặc thù đó thể hiện trên những phương diện cơ bản sau đây: Trong nhiều trường hợp, sau khi tranh chấp lao động được giải quyết thì quan hệ pháp lý đã phát sinh tranh chấp vẫn tồn tại giữa hai bên đương sự.

Trong một số trường hợp nhất định, trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết thì tranh chấp lao động bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở hoặc phải do người có thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước giải quyết trước. Tranh chấp lao động có thể tác động mạnh tới đời sống kinh tế theo hướng làm đình trệ, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau khi một bên tranh chấp là tập thể người lao động; có sự tham gia của Công đoàn với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động; có sự tham gia của số đông người lao động với nội dung tranh chấp tương tự như nhau.

Những đặc thù nêu trên của tranh chấp lao động chưa được cụ thể hóa trong BLTTDS. Điều này dẫn đến không đảm bảo được mục đích của việc giải quyết vụ án lao động là góp phần giữ gìn, ổn định quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Mặt khác, Luật Lao động là một ngành luật độc lập so với các ngành luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Do đó, khi phát sinh tranh chấp từ quan hệ pháp luật nào thì cần có các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng riêng rẽ để giải quyết. Điều này hoàn toàn phù hợp với cơ cấu tổ chức của Tòa án khi các tranh chấp khác nhau được giải quyết ở những Tòa chuyên trách khác nhau như: Toà Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động… Thực tế chứng minh, BLTTDS còn có nhiều điểm hạn chế như: Việc giải quyết tranh chấp lao động phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục bắt buộc; không có thủ tục rút gọn nên kém linh loạt, thời gian cho việc xem xét, giải quyết tranh chấp lao động kéo dài...

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Mặc dù có một số bất cập, hạn chế nhưng việc áp dụng BLTTDS để giải quyết các tranh chấp lao động cơ bản vẫn phù hợp. Bởi lẽ, các tranh chấp trong lĩnh vực này có cùng bản chất pháp lý, đều là những tranh chấp về tài sản hoặc nhân thân phi tài sản giữa các chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý. Bên cạnh đó, những tranh chấp này phát sinh từ quan hệ pháp luật có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh và chủ thể tương đối giống nhau. Do đó, theo quan điểm này thì về mặt lý luận cũng như thực tiễn, các đặc thù của tranh chấp lao động có thể cụ thể hóa được trong BLTTDS khi sửa đổi toàn diện Bộ luật này. Cụ thể, BLTTDS có thể dành riêng một phần để quy định những nội dung đặc thù cho trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, bao gồm cả thủ tục rút gọn. Đồng thời, quan điểm này cũng cho rằng nếu xây dựng Luật Tố tụng lao động thì bố cục, nội dung của Luật này không có nhiều khác biệt cơ bản so với BLTTDS. Nghĩa là, về bố cục, nội dung của Luật Tố tụng lao động vẫn phải quy định tương tự như quy định của BLTTDS.

Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới thì thấy rằng hiện nay phần lớn những nước theo hệ thống luật thành văn hoặc các nước có hệ thống pháp luật kết hợp luật thành văn và án lệ đều không có quy định riêng về thủ tục tố tụng lao động (chỉ có Đức là nước có quy định Luật Tố tụng lao động riêng). Ở những nước này, việc giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án thực hiện theo quy định của BLTTDS, pháp luật về tố tụng dân sự. Thêm vào đó, nếu cho rằng các tranh chấp về lao động và yêu cầu về lao động có tính đặc thù để từ đó xây dựng Luật Tố tụng lao động thì sẽ dẫn tới việc phải xây dựng Luật Tố tụng kinh doanh - thương mại vì những tranh chấp và yêu cầu về kinh doanh và thương mại cũng có tính đặc thù so với tranh chấp và yêu cầu về dân sự và lao động. Như vậy, kết quả cuối cùng là phải xây dựng ba luật khác nhau là tố tụng lao động, tố tụng dân sự và tố tụng kinh doanh - thương mại. Với những lý do trên đây thì việc xây dựng Luật Tố tụng lao động sẽ phá vỡ sự ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật tố tụng dân sự.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Với quan điểm này, chúng tôi thấy rằng cần thiết kế một phần riêng về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, những vấn đề gì chung với thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự thì được áp dụng theo thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự, còn những thủ tục khác biệt thì quy định cụ thể tại một chương riêng, có thể gọi là thủ tục đặc biệt trong giải quyết vụ việc lao động để phù hợp với pháp luật lao động hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Luật Tố tụng lao động riêng biệt hay quy định đặc thù trong BLTTDS?