Xác định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự

Phương Nam| 30/10/2015 10:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy định của pháp luật hiện hành, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ án dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự.

VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự

Nhiều ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự VKSND không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng.

Một số ý kiến khác cho rằng, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng có ý kiến cho rằng, trong tố tụng dân sự VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng do vậy VKSND là cơ quan tham gia tố tụng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 của Hiến pháp năm 2013, thì VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND; nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 4 và Điều 27 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Vì vậy, UBTVQH đề nghị tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như quy định tại Điều 39 của BLTTDS hiện hành và dự thảo BLTTDS (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ họp thứ 9.

Xác định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự

Kiểm sát viên phát biểu tại một phiên tòa

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì cần xác định lại vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự với lý do: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã bỏ quy định về quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND mà trước đây Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 có quy định, hiện hành chỉ quy định VKSND có quyền kiến nghị khởi kiện vụ án dân sự. Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ án dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND (cụ thể: thụ lý vụ án, lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải, ra các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, trưng cầu giám định…), mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự, thể hiện rõ được cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp năm 2013 giữa TAND và VKSND.

Thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát

Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của VKSND (Điều 21), nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên như quy định tại Điều 21 của BLTTDS hiện hành.  Một số ý kiến cho rằng VKSND chỉ tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

Theo UBTVQH, Điều 21 của BLTTDS hiện hành (Điều 21 của dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự; thực tiễn thi hành quy định của BLTTDS hiện hành cho thấy quy định này nhìn chung phù hợp với thực tiễn nước ta. Vì vậy, UBTVQH đề nghị nghiên cứu, tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất của nhiều ĐBQH, giữ nguyên như quy định tại Điều 21 của dự thảo BLTTDS (sửa đổi). Đồng thời, để bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, VKSND, UBTVQH đề nghị quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa. Nội dung này cần được chỉnh lý như quy định tại Điều 232 và khoản 1 Điều 296 của dự thảo BLTTDS (sửa đổi).

Về việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 262): Một số ý kiến cho rằng VKSND chỉ có quyền phát biểu và kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, không phát biểu đề xuất quyết định giải quyết vụ án. Một số ý kiến khác cho rằng VKSND có quyền đề xuất quyết định giải quyết vụ án. Theo UBTVQH, quy định về việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa, phiên họp cần căn cứ vào quyền hạn, nhiệm vụ của VKSND theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND và quy định của Hiến pháp năm 2013, UBTVQH đề nghị tiếp thu, chỉnh lý lại như quy định tại Điều 262 của dự thảo BLTTDS (sửa đổi) như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.”

Về thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát: Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì trong tố tụng dân sự, VKSND là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND nên việc quy định VKSND thu thập chứng cứ là không phù hợp, mâu thuẫn với nguyên tắc trách nhiệm cung cấp chứng cứ và chứng minh của các đương sự trong tố tụng dân sự và trách nhiệm của TAND hỗ trợ các đương sự tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ và Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự trong các trường hợp do BLTTDS quy định. Vì vậy, nên  giữ như quy định của dự thảo Bộ luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự