Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự

Hoàng Hạnh| 18/05/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) còn rườm rà, mang nặng tính thủ tục dẫn đến gây khó khăn không cần thiết cho những người tiến hành tố tụng.

Cụ thể, để giải quyết xong một vụ án dân sự, trong đó có người lao động, trong trường hợp bị đơn cố tình vắng mặt, Tòa án phải tiến hành cần ít nhất 8 lần thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như: Triệu tập bị đơn để tống đạt thông báo thụ lý vụ án (ít nhất hai lần, trong đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở, niêm yết tại trụ sở của UBND cấp xã và niêm yết tại trụ sở Tòa án); triệu tập bị đơn để tống đạt thông báo hòa giải (ít nhất hai lần trong đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở, niêm yết tại trụ sở của UBND cấp xã và niêm yết tại trụ sở Tòa án); triệu tập bị đơn để tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử (ít nhất hai lần trong đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở, niêm yết tại trụ sở của UBND cấp xã và niêm yết tại trụ sở Tòa án); triệu tập bị đơn để tống đạt quyết định hoãn phiên tòa (ít nhất hai lần trong đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở, niêm yết tại trụ sở của UBND cấp xã và niêm yết tại trụ sở Tòa án); triệu tập bị đơn để tống đạt bản án (ít nhất hai lần trong đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở, niêm yết tại trụ sở của UBND cấp xã và niêm yết tại trụ sở Tòa án). Trong khi đó, thời gian niêm yết mỗi lần không dưới 15 ngày, nhưng thời hạn chuẩn bị xét xử chỉ có 4 tháng.

Cấp tống đạt văn bản có phương thức qua bưu điện nhưng phương thức này không được đảm bảo, khi văn bản tố tụng được giao cho người nhận thì nhân viên bưu điện chưa hẳn đã quan tâm đến đương sự ký nhận hay không, quan hệ như thế nào với người được nhận (nếu đương sự là cá nhân). Việc đương sự đã nhận được văn bản nhiều khi cũng không thông báo lại cho Tòa án, mặc dù khi thực hiện phương thức tống đạt này, Tòa án có yêu cầu hồi báo.

Hiện nay, có rất nhiều vụ án việc tống đạt văn bản gặp nhiều khó khăn do đương sự không hợp tác, cố tình trốn tránh không nhận hoặc có nhận văn bản tố tụng nhưng không ký nhận hoặc không cam kết giao cho người được cấp, tống đạt… gây khó khăn cho Tòa án trong việc đưa vụ án ra xét xử. Mặc dù BLTTDS đã có một chương quy định về các loại văn bản được tống đạt, người thực hiện tống đạt, thủ tục tống đạt… nhưng chưa quy định trường hợp tống đạt qua người khác mà họ không viết cam kết giao lại tận tay cho người được cấp, tống đạt thì có được xác định là tống đạt hợp lệ không? Đồng thời, Điều 148 Bộ luật này mới chỉ quy định người thực hiện việc cấp, tống đạt… chứ chưa quy định chặt chẽ sự phối hợp với UBND xã trong việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng.

Theo quy định tại Điều 148 BLTTDS thì UBND cấp xã, nhân viên bưu điện là một trong những người có nghĩa vụ tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự, nếu không làm đúng trách nhiệm của mình thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế quy định này chưa khả thi vì UBND cấp xã, nhân viên bưu điện thường không quan tâm đến người nhận văn bản, cũng như quan hệ của người nhận với người được cấp, tống đạt, thậm chí nhân viên bưu điện chỉ yêu cầu người nhận thay đó ký tên mà không biết cụ thể họ tên của người nhận, dẫn đến chất lượng tống đạt không cao. Ngoài ra, đối với quy định xử lý trách nhiệm của UBND cấp xã và nhân viên bưu điện khi không làm đúng trách nhiệm của mình mang tính hình thức, chưa áp dụng được trên thực tế. Do đó, đề nghị bỏ quy định nhân viên bưu điện có nghĩa vụ tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 148 BLTTDS.

Điều 149 về các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo bằng văn bản tố tụng. Quy định về tống đạt qua đường bưu điện, do BLTTDS không quy định trình tự, thủ tục tiến hành nên thực tiễn các Tòa án gặp nhiều khó khăn. Các văn bản thể hiện việc chuyển giao giữa Tòa án và bưu điện không có phần nội dung để Tòa án ghi số hiệu, ngày tháng ban hành văn bản cũng như ghi thời gian triệu tập, mời đương sự, người tham gia tố tụng khác và càng không có mục nhân viên bưu điện phải giao tận tay cho người được tống đạt.

Hơn nữa, việc tống đạt thường được chuyển qua nhiều đầu mối nên người giao tận tay cho người được tống đạt văn bản tố tụng không phải là người nhận văn bản từ cán bộ Tòa án ban đầu. Chính vì lẽ này, các văn bản chỉ chuyển đến địa chỉ mà Tòa án đã xác định trên bao thư, còn việc người có tên trên bao thư ký nhận hay không, không được nhân viên bưu điện quan tâm. Cho nên, rất nhiều trường hợp người khác sẽ nhận thay nhưng nhân viên bưu điện không ghi rõ người nhận là ai, quan hệ như thế nào với người được tống đạt. Điều này dẫn đến trường hợp, khi đến thời gian hòa giải, đối chất, xét xử… nếu đương sự được triệu tập không đến thì rất khó đảm bảo thủ tục tống đạt của Tòa án có hợp lệ hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự