Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng

Phương Nam| 21/10/2015 10:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là tổ chức kinh tế có hành vi phạm tội là cần thiết; đặc biệt là việc truy cứu TNHS của pháp nhân đối với tội nhận, đưa hối lộ như quy định tại Điều 367 và Điều 377 của dự thảo BLHS (sửa đổi).

Việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là tổ chức kinh tế có hành vi phạm tội là cần thiết; đặc biệt là việc truy cứu TNHS của pháp nhân đối với tội nhận và đưa hối lộ như quy định tại Điều 367 và Điều 377 của dự thảo BLHS (sửa đổi).

Tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến rất phức tạp

Ở Việt Nam, tội phạm tham nhũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ngày càng được thực hiện dưới những hình thức tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện, xác minh, làm rõ để xử lý. Người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng, đồng thời sử dụng nhiều công cụ để che giấu hành vi của mình như thành lập các doanh nghiệp “sân sau” hoặc “hỗ trợ chính sách”, “hỗ trợ cơ chế”… cho các doanh nghiệp để nhận được những lợi ích bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp cũng chủ động đưa hối lộ cho cơ quan, tổ chức, người có chức vụ, quyền hạn dưới các hình thức “đi đêm”, “lót tay”, khoản “hoa hồng” bất hợp pháp… để giành được những lợi thế, ưu tiên, ưu đãi thông qua các hợp đồng, thỏa thuận cung cấp dịch vụ, hàng hóa, thông đồng trong hoạt động đấu thầu hoặc xúc tiến triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam…

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm tham nhũng cho thấy nhiều bị can, bị cáo cho rằng họ thực hiện hành vi đưa hối lộ theo chỉ đạo, điều hành của hội đồng quản trị, tập thể ban giám đốc, tập thể lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng

Một phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng

Vì vậy, trong những trường hợp này, việc chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân là không hợp lý, không truy xét đến cùng trách nhiệm của cả cá nhân và tập thể đối với hành vi phạm tội, dẫn đến hiệu quả xử lý không cao. Trong khi đó, Khoản 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) quy định đưa hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương mình (trong đó có các pháp nhân kinh tế) là hành vi tham nhũng, cho nên việc không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý hình sự đối với các hành vi đưa hối lộ do pháp nhân thực hiện sẽ bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định việc xử phạt đối với tổ chức nhưng việc xử lý hành vi vi phạm này còn rất hạn chế, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng những hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ do pháp nhân thực hiện.

Do vậy, để tăng cường hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và trấn áp loại tội phạm này; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của pháp nhân trong việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ là rất cần thiết.

Thực hiện cam kết quốc tế

Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội nhận hối lộ và Tội đưa hối lộ để thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân được khuyến nghị trong các Điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Điều 10); Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Điều 26). Các Công ước này đều khuyến nghị mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm các pháp nhân bị xử lý bằng các chế tài (hình sự hoặc phi hình sự) đủ sức răn đe, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 của Công ước này, các quốc gia thành viên phải ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc pháp lý của nước mình để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc thực hiện hành vi phạm tội như: tham gia nhóm tội phạm có tổ chức (Điều 5), rửa tiền (Điều 6), tham nhũng (Điều 8), cản trở công lý (Điều 23).

Khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam cũng bảo lưu việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân với lý do để xem xét khi sửa đổi, bổ sung BLHS. Tại thời điểm này, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Do vậy, để thực hiện những cam kết trong các Điều ước quốc tế nêu trên và để thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay, phục vụ cho công cuộc đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm, tội phạm về kinh tế, tham nhũng thì pháp luật hình sự Việt Nam cần nội luật hóa các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm tham nhũng nói chung, tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ nói riêng.

Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội nhận hối lộ và Tội đưa hối lộ là phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới.

Quá trình hội nhập quốc tế về pháp luật của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng của Việt Nam phải tương thích với pháp luật các nước. Trong khi đó, pháp luật hình sự của 119/173 quốc gia thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, trong đó có 6 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia) đều quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nói chung, trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tham nhũng nói riêng.

Ví dụ, pháp luật hình sự của Singapore quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội hối lộ, cụ thể là trong Bộ luật hình sự và Luật Phòng chống tham nhũng quy định trách nhiệm hình sự của công ty, hiệp hội đối với hành vi đưa hối lộ.  Bộ luật hình sự của Trung Quốc quy định cơ quan nhà nước, công ty quốc hữu, xí nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể nhân dân (pháp nhân) đòi tiền hoặc nhận tiền trái pháp luật, có tình tiết nghiêm trọng, sẽ bị phạt tiền. Các đơn vị (pháp nhân) này trong trao đổi kinh tế, nhận tiền hoa hồng, phí công tác nằm ngoài sổ sách dưới bất kỳ hình thức nào đều bị xử lý về tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên, các quốc gia khi mới quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự đều tính toán, cân nhắc thận trọng, chỉ quy định trách nhiệm này đối với những hành vi mà pháp nhân thường thực hiện. Do vậy, Việt Nam cần tiếp thu kinh nghiệm của các nước để quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cho phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng