Thực tiễn tổ chức các phiên tòa xét xử ở TP. Đà Nẵng: Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Mạnh Cường| 04/11/2015 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND TP. Đà Nẵng là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình tổ chức phiên tòa xét xử mới theo tinh thần cải cách tư pháp (CCTP). Sau 4 năm đi vào thực hiện, mô hình này đã nhận được những ý kiến đánh giá cao.

Thực tiễn tổ chức các phiên tòa xét xử ở TP. Đà Nẵng: Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Một phiên tòa hình sự tổ chức tại TAND TP Đà Nẵng theo mô hình mới

Trong hoạt động xét xử, việc tổ chức phiên tòa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cách thức bố trí chỗ ngồi trong phiên tòa vì thế được xem là một khâu thể hiện rõ nhất vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của những người tiến hành tố tụng (THTT). Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc tổ chức phiên tòa cũng như xác định vị trí ngồi của người THTT và người tham gia tố tụng (TGTT). Điều này dẫn đến tình trạng, việc tổ chức phiên tòa, bố trí ngồi không thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, chưa thể hiện được hết vai trò, chức năng đặc thù riêng của từng cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Vì lẽ đó, hiện nay vấn đề “chỗ ngồi” lại tiếp tục là đề tài “nóng” với nhiều quan điểm trái chiều, đặc biệt là vị trí ngồi của Viện kiểm sát (VKS) và Luật sư (LS) trong một phiên tòa đang có nhiều tranh cãi.

Thực tế, phần lớn TAND các địa phương thường bố trí vị trí ngồi theo mô hình: HĐXX ngồi chính giữa hội trường, đại diện VKS và Thư ký phiên tòa ngồi hai bên và ngang hàng với HĐXX, LS, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và những người tham gia tố tụng ngồi phía dưới, thấp hơn vị trí ngồi của HĐXX, VKS và Thư ký. Duy chỉ có TAND TP. Đà Nẵng là đơn vị tiên phong thay đổi cách bố trí vị trí ngồi trong phòng xử án với lý do, mô hình này thể hiện một số hạn chế, bất cập như: Tại phiên tòa, HĐXX là chủ thể có quyền điều hành toàn bộ hoạt động về trình tự, thủ tục phiên tòa và là chủ thể duy nhất nhân danh Nhà nước đưa ra các phán quyết để tiến hành xét xử vụ án. Trong khi đó, VKS và Thư ký phiên tòa chỉ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật tố tụng nên vị trí ngồi của họ không thể ngang bằng với HĐXX. Tại phiên tòa, hoạt động tranh tụng (HĐTT) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, là căn cứ để HĐXX đưa ra phán quyết. Do vậy, để đảm bảo nâng cao hiệu quả HĐTT thì phải có vị trí ngồi ngang nhau. Trong phiên tòa hình sự, VKS là cơ quan thực hành quyền công tố và Kiểm sát viên (KSV) thực hiện chức năng chứng minh hành vi phạm tội, họ phải có nghĩa vụ tranh tụng với bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo cũng như những người TGTT khác. Xét về quan hệ tranh tụng thì quyền và nghĩa vụ của VKS và những người TGTT là ngang bằng nhau nên đại diện VKS không thể có vị trí ngồi cao hơn những người TGTT.

TAND hai cấp TP. Đà Nẵng sau nhiều năm thực hiện theo mô hình trên đã nhận thấy, việc bố trí ngồi như vậy là không phù hợp và không đảm bảo đúng định hướng theo tinh thần CCTP, không đáp ứng được yêu cầu dân chủ, tiến bộ trong hoạt động xét xử, gây khó khăn cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Việc bố trí đại diện VKS và Thư ký phiên tòa ngồi ngang hàng với HĐXX khiến vai trò của chủ thể không được thể hiện đúng, dẫn đến việc ngộ nhận về thẩm quyền, chức năng của HĐXX và các chủ thể khác trong hoạt động xét xử. 

Vì vậy, từ năm 2014, TAND hai cấp TP. Đà Nẵng đã chủ động báo cáo với Ban chỉ đạo CCTP thành phố, Thành ủy Đà Nẵng và đã thay đổi vị trí ngồi những người THTT và những người TGTT tại phiên tòa theo mô hình mới. Cụ thể: Chỉ có HĐXX mới được ngồi ở vị trí cao nhất, riêng biệt, dưới Quốc huy và chính giữa hội trường; ngồi phía dưới và ngay trước HĐXX là bàn của Thư ký phiên tòa. Cũng ngồi phía dưới và bên tay phải HĐXX là bàn của đại diện VKS; bên tay trái, đối diện với VKS là bàn của LS, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Riêng những người tham gia tố tụng ngồi phía dưới, đối diện với Thư ký phiên tòa.

Trao đổi vấn đề này, ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND TP. Đà Nẵng cho biết: Việc bố trí chỗ ngồi theo mô hình mới sẽ khắc phục được toàn bộ các hạn chế, bất cập của mô hình cũ, đồng thời thể hiện được một số ưu điểm tích cực, thể hiện được vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX. Cho đến nay, cách thức bố trí ngồi tại phiên tòa của TAND hai cấp TP. Đà Nẵng đã được cấp ủy, chính quyền thành phố đánh giá cao, các cơ quan tố tụng của thành phố ủng hộ và nhận được đồng tình rất lớn của dư luận quần chúng nhân dân.

Mặc dù mô hình này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, tuy nhiên bên cạnh đó còn một số ý kiến của KSV bày tỏ sự không đồng tình với cách tổ chức mới này. Theo họ, mô hình chỗ ngồi tại phiên tòa, KSV ngang hàng với HĐXX là phù hợp, đồng thời cũng phù hợp với tổ chức và hoạt động của bộ máy cơ quan tư pháp, với chức năng, nhiệm vụ của VKS và Tòa án. Vì vậy, VKS không thể ngồi ngang hàng với LS.

Mặc dù việc bố trí vị trí ngồi trong phiên tòa đang có các quan điểm ngược chiều nhau song có thể khẳng định, với cách tổ chức một phiên tòa theo mô hình mà TAND hai cấp TP. Đà Nẵng áp dụng đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao. Cách tổ chức này không chỉ phù hợp với nền tư pháp tiên tiến, hiện đại mà còn đảm bảo tính dân chủ, công bằng trong hoạt động xét xử, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện hiệu quả. Và trên hết, cách tổ chức phiên tòa như vậy đang ngày càng đáp ứng yêu cầu của CCTP.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực tiễn tổ chức các phiên tòa xét xử ở TP. Đà Nẵng: Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp