Thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường

Nam Phương| 16/05/2018 21:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018) có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường.

 

Thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường

So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định mở rộng các trường hợp người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường. Cụ thể là trong các trường hợp sau đây: Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường;  Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại;  Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó; Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường;  Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành; Kết hợp yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Như vậy Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định thêm 3 trường hợp mà người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Cụ thể các trường hợp: yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ bồi thường và chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự; yêu cầu bồi thường sau khi cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết nhưng thương lượng không thành theo thủ tục tố tụng dân sự và  kết hợp yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự.

Với quy định như trên thì những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án được thụ lý kể từ ngày 1/7/2018, thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2017 thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017. Theo đó, khoản 1 Điều 54 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường như sau: “Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường”. Do đó, sau khi có bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện thủ tục cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.

Về kinh phí bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định tương tự như Luật TNBTCNN năm 2009. Theo đó, trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Tuy nhiên, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.

Về cấp kinh phí bồi thường và thực hiện chi trả tiền bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định sau khi bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền để đề nghị cấp kinh phí bồi thường. Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường.

Theo Th.s Lê Thị Thu Hằng, Cục Bồi thường nhà nước, với những quy định mới về các trường hợp người yêu cầu bồi thường có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong Luật TNBTCNN năm 2017 như trên thì việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường kể từ ngày 1/7/2018 cần tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

 Như vậy, đối với những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án được thụ lý kể từ ngày 1/7/2018, thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2017 thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017. Đối với những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án được thụ lý kể từ ngày 1/7/2018 nhưng không thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2017 thì không có căn cứ giải quyết theo Luật TNBTCNN năm 2017. Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ thi hành án thuộc diện được bảo đảm tài chính và đủ điều kiện bảo đảm tài chính để thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC thì thủ tục thực hiện bảo đảm tài chính để thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường