Thẩm phán Phạm Công Hùng: “Làm được chút gì cho người dân đỡ khổ là mừng lắm”

Văn Khôi| 13/09/2015 13:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 1/ 9/2015, sau 30 năm hoạt động trong hệ thống TAND, thẩm phán Phạm Công Hùng chính thức nghỉ hưu. Thẩm phán Phạm Công Hùng là người để lại nhiều dấu án trong các vụ xét xử án hình sự và hành chính.

Cuối tháng 8- 2015, trong những ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ hưu, PV Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở với thẩm phán Phạm Công Hùng.

PV: Vào Google, gõ “Thẩm phán Phạm Công Hùng” thấy hiện lên 671.000 kết quả (trong 0,33 giây). Điều đó cho thấy, thẩm phán Phạm Công Hùng không chỉ có hoạt động xét xử mà còn tham gia nhiều lĩnh vực nữa?

Thẩm phán Phạm Công Hùng (TP.PCH): Nghề chính của thẩm phán là hoạt động xét xử. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, nhiều người biết đến tôi là qua hoạt động giảng dạy. Tôi dạy ở Trường Cán bộ Tòa án, dạy ở Học viện Tư pháp; dạy kỹ năng xét xử cho thẩm phán và dạy kỹ năng tranh tụng cho các luật sư. Còn một mảng khác tôi cũng hay tham gia nữa là báo chí. Nhiều thẩm phán khác ngại xuất hiện trên báo chí, nhưng tôi sẵn lòng đồng hành cùng báo chí, thể hiện những quan điểm về pháp lý của mình rất thoải mái, không né tránh bất cứ vấn đề gì.

PV: Ông đã từng xét xử nhiều vụ án hình sự, đã từng tuyên nhiều án tử hình. Có khi nào ông nghĩ: mình có ác quá không?

TP.PCH: Tâm lý chung, cứ nghĩ đến tử hình là ác, là sợ. Thế nhưng, tại sao không nghĩ ngược lại, thẩm phán đại diện cho pháp luật, tuyên một bản án tử hình nghiêm minh để loại trừ cái ác thì đem lại cuộc sống bình an cho xã hội, đem lại bình an cho cuộc đời. Như vậy, đó không phải là ác, mà là làm điều thiện.

PV: Thế nhưng, xin hỏi, lần đầu tiên tuyên bản án tử hình thì tâm trạng của ông như thế nào?

TP.PCH: Lần đầu tiên tuyên bản án tử hình thì cũng khủng khiếp lắm. Lúc đó, tôi đang còn trẻ. Tôi còn nhớ là mình đã phải lo lắng rất nhiều ngày, kể từ khi đọc hồ sơ vụ án, dù trước đó đã có rất nhiều kinh nghiệm để xử lý những việc lớn hơn. Tuyên một bản án tử hình, người thẩm phán có áp lực rất lớn. Nhưng thẩm phán phải vượt qua áp lực đó để hoàn thành nhiệm vụ. Nghề thẩm phán, ngoài nghiệp vụ thì rất cần phải có bản lĩnh.

PV: Trong giáo trình dạy nghề luật sư có nói rằng, khi tranh tụng trước tòa, luật sư cần có “niềm tin nội tâm”. Vậy theo ông, ở người thẩm phán có tồn tại niềm tin nội tâm? Và nếu có thì được thể hiện như thế nào?

TP.PCH: Niềm tin nội tâm của người thẩm phán là phải có. Nhưng khi xét xử thì phải làm rõ: niềm tin của thẩm phán có phù hợp với sự thật khách quan của vụ án hay không. Sự thật khách quan của vụ án phải thông qua tranh tụng, lấy kết quả tranh tụng làm thước đo. Bằng bất cứ giá nào cũng không được xử theo niềm tin. Phải xử theo pháp luật. Điều đó cần phải xác định rõ.

Thẩm phán Phạm Công Hùng: “Làm được chút gì cho người dân đỡ khổ là mừng lắm”

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp.HCM

PV: Các đồng nghiệp nhận định rằng: ông để lại dấu ấn sâu đậm trong hoạt động xét xử án hành chính, như là một chuyên gia. Xin ông nói đôi điều về loại án phức tạp này?

TP.PCH: Án hình sự phức tạp nhưng khó khăn nhất vẫn là xét xử án hành chính. Chính từ cái khó lại làm cho tôi say mê với loại án này lúc nào không hay. Mối nhân duyên này có là khi tôi nhận chức chánh Tòa hành chính TAND một tỉnh. Theo tôi, một bản án hành chính nghiêm minh có sức lan tỏa rất lớn, thúc đẩy việc cải cách hành chính, ích nước lợi dân. Nhưng khi xử án, thẩm phán phải giao tiếp với những người bị kiện “đặc biệt”. Họ có chức, có quyền trong cơ quan nhà nước, thậm chí còn có quyền tham gia, quyết định việc tái bổ nhiệm thẩm phán.

Những kinh nghiệm trong quá trình xét xử án hành chính của tôi đã được đúc kết trong giáo trình kỹ năng xét xử án hành chính theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm được Trường Cán bộ Tòa án phát hành và được nhiều TAND địa phương quan tâm. Hai nội dung lớn nhất trong giáo trình được mọi người đánh giá cao đó là các tiêu chí đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính và đối thoại trong án hành chính (đã được ghi nhận đưa vào dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi).

PV: Vừa qua, nổi lên tranh luận về miễn trừ trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại đối với thẩm phán, hội thẩm nhân dân khi xét xử. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TP.PCH: Chúng ta không nên đặt vấn đề miễn trừ trách nhiệm đối với thẩm phán bởi một lẽ rất bình thường là không ai được miễn trừ trách nhiệm khi thực hiện công vụ cả. Suy nghĩ của tôi bắt nguồn từ chân lý là tất cả người tiến hành tố tụng đều phải làm hết trách nhiệm của mình. Ai cũng biết việc điều tra, truy tố, xét xử một con người là hết sức hệ trọng, liên quan đến số phận, thậm chí là sự sống hay cái chết của họ, liên quan đến gia đình họ. Nếu người tiến hành tố tụng không áp dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ để làm sáng tỏ sự thật, gây oan sai thì hơn ai hết, họ phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lúc này không thể đặt vấn đề vì lý do này, lý do nọ để mà miễn trừ vì đây là sai phạm do chính bản thân họ gây ra, dẫn đến oan sai cho người khác.

Còn đối với trường hợp thẩm phán làm oan do lỗi vô ý thì sao? Đó là lúc thẩm phán đã làm hết trách nhiệm, áp dụng mọi biện pháp có thể mà vẫn không phát hiện ra uẩn khúc, bất thường của vụ án. Cũng có thể có tình huống sau đó xuất hiện chứng cứ mới làm thay đổi toàn bộ bản chất vụ án, phá hỏng tất cả hệ thống chứng cứ buộc tội ban đầu, khiến người dân bị oan. Trường hợp này do đã làm hết trách nhiệm nên thẩm phán không có lỗi, mà khi thẩm phán không có lỗi thì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

PV: Nghe nói, ông có một góc nhỏ lưu giữ các bức thư cám ơn của các đương sự. Ông có thể nói qua về một số bức thư?

TP.PCH: Mới đây, tôi nhận được một bức thư cám ơn của một đương sự ở Tp.Hồ Chí Minh. Nội dung rất cảm động: “Cả gia đình tôi đọc bản án phúc thẩm mà không cầm được nước mắt. Rất cám ơn sự công tâm của thẩm phán. Cả gia đình tôi xin cám ơn ông suốt đời...”.

Tôi có một góc nhỏ để thư cám ơn của họ. Khi nào nghỉ hưu hẳn tôi mới công bố những lá thư đó bởi vì liên quan đến những vụ án mà tôi đã xử. Làm nghề thẩm phán, chúng tôi xét xử đúng luật mà làm được chút gì cho người dân đỡ khổ là mừng lắm. Tôi sẽ lưu giữ cẩn thận các bức thư để làm kỷ niệm trong đời xét xử của mình.

PV: Xin cám ơn thẩm phán Phạm Công Hùng về cuộc trao đổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Phạm Công Hùng: “Làm được chút gì cho người dân đỡ khổ là mừng lắm”