Tập huấn trực tuyến “Phá sản - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế”

Trần Quang Huy| 28/08/2018 10:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 27/8, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn Chuyên đề “Phá sản - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế” cho các cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

Hội nghị trực tuyến kết nối điểm cầu trung tâm tại TANDTC với các TAND cấp cao, TAQS Trung ương và gần 800 điểm cầu TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trên toàn quốc.

Tại hội nghị tập huấn, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khái quát về tình hình phát triển kinh tế của đất nước ta nhất là trong 30 năm đổi mới và hội nhập nền kinh tế thế giới. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa được thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường. Trong những năm trước đây, các doanh nghiệp khi muốn phá sản còn quá nhiều thủ tục, dẫn đến khó khăn trong phá sản, nếu được phá sản thì cũng thiếu minh bạch. Kể từ khi có Luật Phá sản năm 2015, tổng số vụ phá sản đã tăng lên đáng kể do Luật Phá sản có nhiều quy định cụ thể hơn và đã dần tiệm cận với các nước trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong có gần 150.000 doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và có nguy cơ phá sản.

Tập huấn trực tuyến “Phá sản - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế”

Ông Đặng Huy Đông trình bày chuyên đề “Phá sản - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế” tại hội nghị trực tuyến

Theo ông Đặng Huy Đông, khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì phải xác định rõ; chẳng hạn doanh nghiệp do vi phạm pháp luật mà bị phá sản thì phải xem xét xử lý kể cả về mặt hình sự, còn nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản do khách quan thì phải cho phá sản đúng thủ tục pháp lý quy định. Trong thời buổi nền kinh tế ở Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì không ít doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng làm ăn khó khăn, do vậy nếu doanh nghiệp muốn làm thủ tục phá sản thì các cơ quan có thẩm quyền phải tạo điều kiện cho họ phá sản nhưng phải công khai, minh bạch.

Tập huấn trực tuyến “Phá sản - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế”

Lãnh đạo TANDTC và các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tham dự hội nghị.

Cũng tại hội nghị, ông Đặng Huy Đông đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc... trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phá sản. Ông cho rằng, TANDTC nên có một website để đưa thông tin các doanh nghiệp nộp đơn đến Tòa án yêu cầu tuyên bố phá sản. Làm được như vậy thì các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ nợ, người lao động sẽ dễ dàng theo dõi để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi doanh nghiệp đó tuyên bố phá sản. 

Sau khi nghe báo cáo viên truyền đạt về “Phá sản - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế”, tại các điểm cầu dưới sự chủ trì của lãnh đạo đơn vị, các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án đã thảo luận và nêu những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn giải quyết các vụ tuyên bố phá sản thời gian qua, đồng thời tổng hợp các ý kiến gửi về Vụ Tổng hợp TANDTC để báo cáo lãnh đạo TANDTC xem xét, hướng dẫn kịp thời nhằm thống nhất áp dụng pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn trực tuyến “Phá sản - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế”