TANDTC: Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ

Quang Trung| 22/07/2017 18:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 22/7, TANDTC tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, Nguyễn Trí Tuệ; các thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ; thẩm phán, luật sư, luật gia, các nhà khoa học của cả nước.

TANDTC: Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo

Thực hiện chỉ đạo của Chánh án TANDTC, các tòa án trên cả nước đã tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đề xuất phát triển thành án lệ. Đồng thời, TANDTC cũng tiếp nhận các ý kiến đề xuất của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, nhà hoạt động thực tiễn về bản án, quyết định đề xuất phát triển thành án lệ.

Bên cạnh đó, Vụ pháp chế và quản lý khoa học cũng đã tự tổ chức nghiên cứu các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC và của Ủy ban thẩm phán các TAND cấp cao để rà soát, phán hiện bản án, quyết định đề xuất thành án lệ. Qua đó, Vụ pháp chế và quản lý khoa học đã tiếp nhận 16 bản án do TAND cấp tỉnh đề xuất, 5 quyết định giám đốc thẩm của các chuyên gia, nhà khoa học, tự nghiên cứu, rà soát khoảng 6.000 quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, Ủy ban thẩm phán các TAND cấp cao. Trên cơ sở đó, Vụ pháp chế và quản lý khoa học đã lựa chọn xây dựng 18 dự thảo án lệ lấy ý kiến góp ý. Trong 18 dự thảo án lệ có một số dự thảo do các nhà khoa học, TAND địa phương đề xuất.

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Xin giới thiệu một số dự thảo được các đại biểu phát biểu sôi nổi và có cùng quan điểm.

Dự thảo án lệ số 6 về hiệu lực thanh toán của L/C trong trường hợp hợp đồng cơ sở của L/C bị hủy bỏ, Luật sư Trương Nhật Quang, công ty Luật TNHH YKVN Hà Nội cho rằng, dự thảo án lệ đã thể hiện những nỗ lực tích cực của tòa án trong việc đưa ra một giải pháp pháp lý thống nhất để giải quyết mối quan hệ về hiệu lực giữa L/C và hợp đồng cơ sở.

Theo đó, quy định của UCP 600 và pháp luật ngân hàng, L/C là một giao dịch riêng biệt với hợp đồng cơ sở và vì thế sẽ không bị mất hiệu lực khi hợp đồng cơ sở bị hủy toàn bộ. Nếu được chính thức ban hành, đây sẽ là một án lệ điển hình thể hiện việc công nhận áp dụng tập quán quốc tế và sử dụng nguyên tắc pháp lý được quy định trong tập quán quốc tế với tư cách là một nguồn luật độc lập với hệ thống pháp luật quốc gia để giải quyết một vấn đề mà văn bản pháp luật trong nước có thể chưa quy định cụ thể ở mức cần thiết để giải quyết vấn đề pháp lý có liên quan.

TANDTC: Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ

Toàn cảnh Hội thảo

Đối với dự thảo án lệ số 7 có nguồn từ quyết định giám đốc thẩm số 03/2012/DS-GĐT ngày 14/2/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, các bên đặt cọc và thanh toán bằng ngoại tệ, PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các giao dịch bằng ngoại tệ rất phổ biến.

Thực tế, nhiều tòa án tuyên bố hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ vô hiệu toàn bộ. Việc tòa án án tuyên bố hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ vô hiệu là không thuyết phục vì nếu hợp đồng có vô hiệu thì chỉ vô hiệu việc thanh toán bằng ngoại tệ và phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị trên cơ sở Điều 135 BLDS 2005, Điều 130 BLDS 2015.

Do đó, trước việc tòa án địa phương viện dẫn có vi phạm quy định về quản lý ngoại hối trong thanh toán để vô hiệu hoàn toàn, vì vậy cần có án lệ để thay đổi nhận thức không đúng này. PGS.TS Đỗ Văn Đại gợi ý, dự thảo án lệ số 7 không nên chỉ giới hạn ở giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hướng tương tự cũng nên áp dụng cho cả hợp đồng chuyển nhượng mà đối tượng khác như: chuyển nhượng cổ phần, mua bán nhà, mua bán xe…

Bên cạnh đó, cũng cần vận dụng cho cả hợp đồng không mang tính chuyển nhượng như hợp đồng dịch vụ, hợp đồng thuê tài sản. Dự thảo án lệ số 11, nguồn quyết định giám đốc thẩm số 363/2014/DS-GĐT ngày 16/9/2014 của Tòa dân sự TANDTC về xây dựng lấn chiếm đất giáp ranh, PGS.TS Đỗ Văn Đại băn khoăn dự thảo án lệ dễ dẫn tới lạm dụng. Việc lấn chiếm đất quá lớn, nếu phát triển thành án lệ sẽ dẫn tới cách hiểu là lấn chiếm bao nhiêu cũng vẫn được giữ lại (chỉ cần thanh toán bằng giá trị là được) và tư tưởng như vậy sẽ không tốt cho sự ổn định của xã hội. Nội dung án lệ không cho thấy người lấn chiếm ngay tình, do đó nếu nội dung trên được phát triển thành án lệ sẽ dẫn tới cách hiểu là người cố tình lấn chiếm đất của người khác cũng vẫn không phải tháo dỡ để trả lại đất. Do đó, không nên phát triển thành án lệ.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã cảm ơn các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo phát triển án lệ của TANDTC.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhận xét, phần lớn các đại biểu đánh giá cao TANDTC đã nỗ lực phát triển án lệ, các bài phát biểu của các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm cao với nền tư pháp nước nhà, qua hội thảo TANDTC đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn những lần phát triển án lệ sau. Bên cạnh các ý kiến đánh giá cao chất lượng của nguồn phát triển án lệ, các đại biểu còn gợi mở nhiều nội dung để tòa án nghiên cứu, tiếp thu như: cần có giải thích án lệ, mở rộng phạm vi áp dụng án lệ, các bản án nguồn cần phải thêm một số nội dung để có thể trở thành án lệ, cũng như nâng cao chất lượng bản án giám đốc thẩm.

TANDTC sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đề nghị Vụ pháp chế và quản lý khoa học tiếp thu, chỉnh sửa trình Hội đồng tư vấn án lệ, sau đó trình Hội đồng thẩm phán xem xét.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC: Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ