TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong giải quyết các vụ án dân sự

Việt An| 05/01/2023 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều vướng mắc trong công tác xét xử liên quan đến các vụ án dân dự, tố tụng dân sự đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp.

TANDTC vừa có văn bản gửi các TAND, Tòa án quân sự và các đơn vị thuộc TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.

Nội dung văn bản số 206/TANDTC-PC cho biết, ngày 28/3/2022, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử liên quan đến các vụ án dân sự, tố tụng dân sự.

TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong giải quyết các vụ án dân sự

Một phiên tòa xét xử vụ án dân sự tại TAND tỉnh Gia Lai. Ảnh minh họa

Trong vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản, một người thuộc hàng thừa kế đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án đã giải quyết chia toàn bộ di sản thừa kế cho những đồng thừa kế khác (bao gồm cả kỷ phần thừa kế của người từ chối nhận di sản thừa kế). Sau khi xét xử sơ thẩm, người từ chối nhận di sản kháng cáo bản án với nội dung yêu cầu giải quyết được chia thừa kế theo pháp luật, xin được nhận kỷ phần thừa kế mà lẽ ra họ được hưởng. Trong trường hợp này, Tòa án có chấp nhận yêu cầu của họ về việc chia di sản thừa kế hay không?

Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quỵ định: ‘'Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chi giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó ”.

Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“ 1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường họp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2.Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3.Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản."

Điểm c khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau: “Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên thì tùy từng trường hợp mà Tòa án xem xét, quyết định:

Trường hợp việc từ chối nhận di sản của người thừa kế là tự nguyện thì Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu của đương sự về việc chia thừa kế đối với kỷ phần mà họ đã từ chối nhận.

Trường hợp có căn cứ về việc từ chối nhận di sản thừa kế của người thừa kế do bị lừa dối, ép buộc, đe dọa... thì Tòa án sẽ xem xét chấp nhận yêu cầu của đương sự.

Tòa án nhận được đơn khởi kiện của vợ/chồng người Việt Nam kết hôn tại Việt Nam nhưng đang định cư ở nước ngoài; một bên đương sự có yêu cầu giải quyết ly hôn nhưng đề nghị vắng mặt thì Tòa án giải quyết như thế nào? Tòa án có thể xác minh thu thập tài liệu chứng cứ vắng mặt đối với cả nguyên đơn và bị đơn định cư ở nước ngoài được không? Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài như thế nào?

Theo quy định tại Điều 238 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng thì:

“1. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép Tòa án tiến hành xét xử ngay cả khi tất cả người tham gia tố tụng vắng mặt nếu việc tống đạt văn bản tố tụng là hợp lệ và nguyên đơn, bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt. Do vậy, Tòa án có thể xem xét, giải quyết vụ án ly hôn vắng mặt các bên nếu vẫn bảo đảm việc tống đạt hợp lệ và nhận được phản hồi bằng văn bản hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật (ví dụ: giấy tờ, tài liệu gửi từ nước ngoài về cho Tòa án Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo đúng quy định...).

Về nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài và nghĩa vụ chịu chi phí úy thác tư pháp ra nước ngoài đã được quy định tại Điều 152 và Điều 153 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-HTQT ngày 09/6/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc ủy thác tư pháp, tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài.

Nguyên đơn là công dân Việt Nam kết hôn với bị đơn là người nước ngoài, có 01 con chung (việc kết hôn và đăng ký khai sinh cho con được thực hiện tại Việt Nam). Sau khi sinh con, cả gia đình sang nước A sinh sống. Sau đó, người vợ đưa con về Việt Nam sống từ năm 2015 đến nay. Nay người vợ khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn và con chung. Bị đơn cung cấp thông tin và tài liệu chứng minh đã có quyết định của Tòa án nước A công nhận cho bị đơn được nuôi dưỡng con chung; bị đơn chưa cung cấp được chứng cứ xác định đã được giải quyết về quan hệ hôn nhân. Trong trường hợp này, Tòa án Việt Nam có thấm quyền giải quyết việc ly hôn và quan hệ con chung theo yêu cầu của nguyên đơn không?

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì nguyên đơn là công dân Việt Nam, bị đơn là người nước ngoài nên vụ án thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam.

Tòa án nước A đã có bản án công nhận cho bị đơn được nuôi con chung nên Tòa án Việt Nam cần hướng dẫn đương sự làm thủ tục công nhận hoặc không công nhận bản án của Tòa án nước A.

Trường hợp đương sự có yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận hoặc không công nhận bản án của Tòa án nước A thì cần phân biệt:

Trường hợp Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận bản án của Tòa án nước A thì Tòa án Việt Nam chỉ xem xét giải quyết yêu cầu ly hôn của nguyên đơn nếu yêu cầu ly hôn chưa được Tòa án nước A giải quyết.

Trường hợp Tòa án Việt Nam ra quyết định không công nhận bản án của Tòa án nước A thì Tòa án Việt Nam xem xét giải quyết cả yêu cầu ly hôn và nuôi con chung của nguyên đơn nếu yêu cầu ly hôn chưa được Tòa án nước A giải quyết.

Trường hợp đương sự không yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận hoặc không công nhận bản án của Tòa án nước A thì Tòa án Việt Nam căn cứ điểm d khoản 1 Điều 472 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu nuôi con chung; Tòa án Việt Nam chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với yêu cẩu ly hôn của nguyên đơn khi Tòa án nước A chưa giải quyết. 

Còn nữa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong giải quyết các vụ án dân sự