TANDTC đã giải quyết tốt các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm

Toàn Vũ| 23/04/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cũng như phần lớn các quốc gia khác, pháp luật Việt Nam quy định nguyên tắc hai cấp xét xử với mục đích để bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, vẫn có những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có sai lầm...

Tỷ lệ án giám đốc thẩm, tái thẩm là rất thấp

Để bảo vệ công lý, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, nhằm mục đích chung nhất là xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, pháp luật Việt Nam quy định về những hoạt động tố tụng theo thủ tục giám đốc thẩm như là một nội dung trong toàn bộ hoạt động xét xử của Tòa án.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Du, Chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, cơ sở để xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết/xử lý vụ án. Nhìn chung, công tác giám đốc thẩm tại Tòa án Việt Nam, nhất là tại TANDTC đã góp phần quan trọng trong việc sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Từ đó, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong đội ngũ Thẩm phán Tòa án các cấp, tạo tiền đề để TANDTC ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Qua công tác giám đốc thẩm cũng là một kênh để đánh giá chất lượng cán bộ, tỷ lệ án bị cấp giám đốc thẩm hủy là một trong những tiêu chí để thực hiện việc tái nhiệm Thẩm phán cũng như bổ nhiệm các chức vụ trong hệ thống Tòa án…

TANDTC đã giải quyết tốt các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm

Số lượng các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số các vụ án sơ thẩm, phúc thẩm chỉ chiếm khoảng 0,4 đến 0,7%. Ảnh minh họa

Theo số liệu của TANDTC, mặc dù số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm trong hệ thống Tòa án là rất nhiều, song số lượng các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số các vụ án sơ thẩm, phúc thẩm là rất ít, cụ thể chỉ chiếm khoảng 0,4 đến 0,7%. Điều này chứng tỏ chất lượng xét xử của cả hệ thống Tòa án không ngừng được nâng cao. Các bản án sơ thẩm, phúc thẩm tuyệt đại đa số là có căn cứ, đúng pháp luật.

Hiện nay, mặc dù pháp luật quy định thẩm quyền giám đốc thẩm của TAND cấp tỉnh tương đối rộng, tuy nhiên, công tác giám đốc thẩm chủ yếu tập trung vào TANDTC nhưng đơn vị vẫn làm rất tốt công tác này. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi TAND cấp tỉnh chỉ giải quyết khoảng 3 đến 4 vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Cụ thể, năm 2009, tổng số đơn/vụ phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC là 11.960, đã giải quyết 4.712 vụ, đạt tỷ lệ 39,4% thì đến năm 2013, mặc dù số lượng đơn phải giải quyết tăng hơn nhưng tỷ lệ giải quyết đạt được 63,3%.

Sự vào cuộc quyết liệt của TANDTC

Mặc dù tình hình đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong những năm gần đây có chiều hướng ngày càng phức tạp, do xu hướng ngày càng mở rộng các giao lưu dân sự. Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt trong cách điều hành công việc của lãnh đạo TANDTC, sự đổi mới phương pháp làm việc của lãnh đạo các đơn vị chức năng, sự nỗ lực cố gắng của các cán bộ, công chức TANDTC và việc sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý việc tiếp nhận, xử lý, thụ lý và giải quyết đơn, nên công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm những năm gần đây của TANDTC đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn kháng nghị đều được xem xét giải quyết (nếu đề nghị có căn cứ thì kháng nghị, nếu không có căn cứ thì trả lời đơn). Nhiều vụ việc đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại vẫn được thụ lý để xem xét cẩn trọng; các vụ việc bức xúc đều được quan tâm giải quyết nhanh chóng. Đối với các vụ án có quyết định tạm hoãn thi hành án đều được giải quyết trong thời gian theo quy định của pháp luật. Những vụ việc được các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội… quan tâm có ý kiến hay chuyển đơn được TANDTC chú ý khẩn trương xem xét và thông báo kết quả giải quyết.

Chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm  ngày càng được nâng cao. Cơ bản khắc phục được tình trạng đã trả lời đơn cho đương sự sau đó lại phải kháng nghị. Hầu hết các kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận.

Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm qua hồ sơ vụ án (hạn chế qua tiểu hồ sơ), cũng như quy trình xem xét giải quyết qua nhiều khâu bảo đảm sự thận trọng, khách quan và toàn diện trong việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thông qua công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập trong các quy định của pháp luật, kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cho phù hợp. Đồng thời, các bộ phận nghiệp vụ đã đề xuất với Hội đồng Thẩm phán TANDTC tổng kết rút kinh nghiệm và hướng dẫn đường lối xét xử thống nhất; bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và của công dân, bảo đảm tính công bằng xã hội, Tiến sỹ Nguyễn Văn Du nhận định.

Còn nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo

Mặc dù TANDTC đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng tình trạng số lượng đơn đã thụ lý năm trước chưa được giải quyết phải chuyển sang năm sau vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn. Có những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có sai lầm nghiêm trọng nhưng chưa được xem xét, giải quyết kịp thời dẫn đến tình trạng đã được thi hành xong mới có kháng nghị.

Hiện nay, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải giải quyết, xét xử  gần đây gia tăng đột biến và ngày càng phức tạp, điều đó dẫn đến chất lượng xét xử của Tòa án các cấp nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều đó đã  dẫn đến việc gia tăng về số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Quan trọng hơn cả, các quy định của pháp luật về tố tụng liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nói chung và các quy định về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nói riêng chưa rõ ràng, không có tính ràng buộc. Vì thế, dẫn đến việc đương sự gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tràn lan, không có điểm dừng; nhiều cơ quan, tổ chức kiến nghị, chuyển đơn không đúng quy định của pháp luật, gây áp lực giải quyết cho Tòa án.

Đó còn do một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ hoặc có những quy định không rõ ràng, chặt chẽ, mâu thuẫn, chồng chéo nhau mà chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, giải thích, hướng dẫn; đặc biệt tính ổn định không cao của pháp luật (nhất là các quy định về đất đai) là một trở ngại lớn cho công tác xét xử nói chung và việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nói riêng. Hơn nữa, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được phân công cho các đơn vị chức năng thuộc TANDTC như hiện nay chưa phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn yêu cầu của công tác này.

Bởi lẽ, các Tòa chuyên trách TANDTC vừa thực hiện nhiệm vụ giúp Chánh án TANDTC trong nhiệm vụ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (nghiên cứu hồ sơ vụ án, đề xuất ý kiến). Đồng thời, các đơn vị này lại thực hiện chức năng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những vụ án thuộc thẩm quyền sau khi Chánh án quyết định kháng nghị bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC đã giải quyết tốt các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm