Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội

11/12/2015 08:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLHS năm 1999 đã quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng về chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn có những quan điểm khác nhau khi quyết định hình phạt trong một số tình huống cụ thể.

Để tiện cho việc trao đổi, tác giả xin nêu ra một ví dụ để minh họa: A bị truy tố về tội Cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS, có mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù. Khi xét xử, thấy rằng A có nhiều tình tiết giảm nhẹ (có 4 tình tiết giảm nhẹ, trong đó có 3 tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS) nên HĐXX áp dụng Điều 47 BLHS cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố. Nghĩa là, bị cáo được hưởng mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS từ 3 năm đến 10 năm tù. Thực tế, HĐXX đã cho bị cáo A được hưởng mức hình phạt thấp nhất quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS là 3 năm tù (khi chưa xét đến yếu tố bị cáo là người chưa thành niên). Vì bị cáo A là người chưa thành niên (16 tuổi 4 tháng) nên HĐXX áp dụng Điều 74 BLHS xử phạt bị cáo A 24 tháng tù giam.

Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội

Các bị cáo vị thành niên trong một phiên tòa hình sự (Ảnh minh họa)

Sau khi tuyên án đã có hai quan điểm khác nhau về vấn đề quyết định hình phạt đối với A.

Quan điểm thứ nhất: Cho rằng HĐXX xử phạt bị cáo A 24 tháng tù là không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là không đúng với quy định của Điều 47 BLHS, vì “… Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật…”.

Như vậy, theo quan điểm thứ nhất thì HĐXX chỉ có thể xử phạt bị cáo A mức hình phạt nhẹ nhất là 03 năm tù. Vì A bị truy tố theo khoản 2 Điều 133 BLHS có mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù, khi áp dụng Điều 47 BLHS thì Tòa án chỉ có thể cho A được hưởng mức hình phạt nhẹ nhất quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS (khung hình phạt liền kề nhẹ hơn).

Quan điểm thứ 2 cho rằng: HĐXX xử phạt bị cáo A 24 tháng tù là đúng quy định của pháp luật và không vi phạm quy định tại Điều 47 BLHS, vì bị cáo A bị truy tố theo khoản 2 Điều 133 BLHS có khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù nhưng do bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng Điều 47 BLHS nên HĐXX có thể xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS là 3 năm tù (khi chưa xét đến yếu tố bị cáo là người chưa thành niên). Vì bị cáo là người chưa thành niên (16 tuổi 4 tháng) nên theo quy định tại khoản 1 Điều 74 BLHS thì bị cáo chỉ phải chịu mức hình phạt cao nhất không quá ¾ mức hình phạt mà điều luật quy định.

Theo hướng dẫn tại mục 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 thì: “11.1. Khi quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội thì cần thực hiện như sau:

a) Xác định mức hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội như đối với trường hợp người phạm tội là người đã thành niên;

b) Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người tù đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là ¾ mức hình phạt áp dụng dụng đối với đã thành niên phạm tội…”

Như vậy, trong tình huống này HĐXX đã áp dụng đúng các quy định của BLHS và văn bản hướng dẫn. Khi bị cáo A có đủ điều kiện để áp dụng Điều 47/BLHS thì HĐXX cho bị cáo được hưởng mức hình phạt thấp nhất quy định tại khoản 1 Điều 133/BLHS là 3 năm tù, sau đó nhân với mức hình phạt tù tối đa mà bị cáo A phải chịu là 3 x ¾ = 27 tháng tù. Theo quy đinh tại khoản 1 Điều 74 BLHS thì ¾ là mức hình phạt tù cao nhất mà bị cáo A có thể phải chịu, Điều 74 BLHS không quy định mức hình phạt tù tối thiểu là bao nhiêu, như vậy thì HĐXX hoàn toàn có quyền cho bị cáo A được hưởng mức hình phạt tù thấp hơn mức ¾ mà điều luật quy định nhưng phải đúng theo quy định tại Điều 33 BLHS là “Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 3 tháng…”.

Do đó, việc HĐXX xử phạt bị cáo A 24 tháng tù là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai và tán thành với những lập luận mà quan điển thứ hai đã đưa ra.

Xin bình luận thêm rằng: Nếu trong tình huống này, kể cả bị cáo A đã thành niên thì HĐXX vẫn hoàn toàn có thể xử phạt bị cáo A 3 năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề). Trong khi đó, bị cáo A là người chưa thành niên mà chỉ được xử mức hình phạt tối thiểu thấp nhất là 3 năm tù như quan điểm thứ nhất đưa ra là hoàn toàn không thỏa đáng, chưa áp dụng đúng chính sách hình sự của Nhà nước dành cho người chưa thành niên phạm tội.

Thực tiễn xét xử cho thấy, hiện nay vẫn có một số người chưa hiểu đúng quy định tại Điều 74 BLHS và ngay cả Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP vừa viện dẫn ở trên khi hướng dẫn vấn đề này cũng dùng thuật ngữ chưa thật sự chuẩn xác. Điều 74/BLHS dùng thuật ngữ “… thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định…”. Trong khi đó, Nghị quyết số 01/2006 lại dùng thuật ngữ: “… thì hình phạt áp dụng đối với họ là ¾ mức hình phạt áp dụng đối với ngườ đã thành niên phạm tội…”. Nghị quyết số 01 dùng từ là trước các mức hình phạt mà người chưa thành niên phải chịu khi phạm tội đã làm cho người đọc hiểu mức tù áp dụng cho người chưa thành niên là cố định ở mức ½ hoặc ¾. Lẽ ra, Nghị quyết phải dùng đúng thuật ngữ mà Điều 74 BLHS đã quy định đó là “… thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định…”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội