Phòng xét xử, phòng họp giải quyết vụ việc có hàng rào ngăn cách: Bảo đảm an toàn cho phiên tòa

PV| 21/03/2017 10:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, Chánh án TANDTC đã nhiều lần ban hành các quy định về Nội quy phiên tòa; hiện tại TAND các cấp đang thực hiện Thông tư số 01/2014/TT-CA, ngày 28/4/2014 của Chánh án TANDTC Quy định về Nội quy phiên tòa.

Để tăng thêm tính uy nghiêm và sự an toàn trong các phiên tòa, Điều 5 của dự thảo Thông tư quy định phòng xét xử, phòng họp giải quyết vụ việc do Tòa án tiến hành có hàng rào ngăn cách thành hai khu riêng biệt: khu phía trên hàng rào dành cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; khu phía dưới dành cho những người tham dự phiên tòa.

Các quy định bảo đảm an toàn cho phiên tòa

Việc tổ chức phiên tòa phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; góp phần tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của đời sống xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác là vấn đề được hệ thống TAND đặc biệt quan tâm.

Phòng xét xử, phòng họp giải quyết vụ việc có hàng rào ngăn cách: Bảo đảm an toàn cho phiên tòa

Hàng rào ngăn cách tại phiên tòa hình sự ở chương trình “Tòa tuyên án”

Trong những năm qua, Chánh án TANDTC đã nhiều lần ban hành các quy định về Nội quy phiên tòa; hiện tại TAND các cấp đang thực hiện Thông tư số 01/2014/TT-CA, ngày 28/4/2014 của Chánh án TANDTC Quy định về Nội quy phiên tòa. Thông tư trên quy định các nguyên tắc tổ chức phiên tòa, nội quy phòng xử án, việc bảo vệ phiên tòa và thực hiện các quyết định của Chủ tọa phiên tòa. Nội quy phiên tòa được áp dụng đối với các phiên tòa; phiên họp giải quyết việc dân sự, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Tòa án tiến hành. Về phía Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức phiên tòa; mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện để Tòa án tổ chức phiên tòa trang nghiêm, trật tự, theo đúng quy định của pháp luật.

Nội quy phiên tòa bắt buộc khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa. Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành quyết định của Chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự phiên tòa theo quy định của pháp luật.

Đối với lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa, hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 13/2016/TT-BCA, ngày 10/3/ 2016 của Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đó,  lực lượng chức năng thuộc Công an nhân nhân có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa hình sự, các phiên tòa dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình khi TAND có yêu cầu, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa. Trong đó lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là nòng cốt nhằm bảo đảm an toàn cho Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm an ninh, trật tự nơi diễn ra phiên tòa; bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ trong phòng xử án phải thực hiện đúng nhiệm vụ đã được phân công; nhắc nhở người đến dự phiên tòa ngồi đúng vị trí quy định, giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người tham dự. Trong phiên tòa, lực lượng bảo vệ có trách nhiệm nhắc nhở, chấn chỉnh người vi phạm trật tự nội quy phiên tòa, không để xảy ra mất an ninh, trật tự, gây rối, đe dọa, tấn công Hội đồng xét xử, hủy hoại, cướp hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án, hoặc các hành vi hành hung lẫn nhau tại phiên tòa. Cán bộ, chiến sĩ bảo vệ phiên tòa phải có mặt trước giờ khai mạc phiên tòa ít nhất 30 phút; phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và hướng dẫn người được vào phòng xử án, nơi xét xử lưu động để dự phiên tòa theo đúng quy định. Kết thúc phiên tòa xét xử, lực lượng bảo vệ phiên tòa chỉ được rời khỏi vị trí bảo vệ sau khi Hội đồng xét xử, người tham dự phiên tòa, bộ phận áp giải, hộ tống đã ra khỏi khu vực xử án ít nhất là 15 phút, sau đó người chỉ huy bảo vệ phiên tòa kiểm tra quân số, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ ra lệnh cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa rời vị trí về đơn vị…

Làm hàng rào ngăn cách để tăng sự an toàn

Thực tế tại các phiên tòa trong thời gian qua, về cơ bản những người tham dự phiên tòa đều chấp hành nghiêm Nội quy phiên tòa. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự và bảo đảm an toàn cho phiên tòa. Tuy nhiên, vẫn có không ít các vụ tấn công, gây rối tại phiên tòa; người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng bị người dự phiên tòa tấn công, đánh đập khiến cho quá trình xét xử bị gián đoạn, phiên tòa mất đi tính uy nghiêm. Điển hình là phiên tòa do TAND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng xét xử bị cáo về tội cố ý gây thương tích. Khi phiên tòa đang diễn ra thì có một nhóm người hung dữ liên tục xông vào đe dọa người bị hại, rồi chửi bới, gây náo loạn phiên tòa. Nhóm người nhà của bị cáo đã lao đến gây gổ, tấn công gia đình người bị hại buộc Công an quận Liên Chiểu đã phải nổ súng bắn chỉ thiên, đồng thời huy động thêm lực lượng cảnh sát 113 đến hỗ trợ, trấn áp. Vụ án do TAND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xét xử bị cáo về tội cố ý gây thương tích cũng trở nên rất lộn xộn. Khi nạn nhân đang trình bày thì bất ngờ bị một người đi từ dưới phòng xét xử lên châm điếu thuốc lá cháy đỏ vào tay nạn nhân khiến cho người nhà của nạn nhân nhao lên phản ứng, xảy ra xô xát làm cho phiên xử trở nên hỗn loạn.

Có vụ án thì Hội đồng xét xử bị tấn công đó là Thẩm phán Võ Duy Minh ở TAND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngồi chủ tọa một vụ ly hôn. Tại phiên tòa, bị đơn và người nhà xông lên đập phá bàn ghế, chửi bới, lăng mạ các thành viên Hội đồng xét xử, đồng thời đuổi đánh Thẩm phán Minh và thư ký phiên tòa. Hoặc trong một phiên tòa dân sự tại TAND thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, bị đơn đã cùng người nhà và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xông vào đánh nguyên đơn, vây hãm chủ tọa. Tuy được lực lượng cảnh sát tư pháp ngăn chặn kịp thời nhưng khi hội đồng xét xử trở vào phòng xử thì hàng chục người dự phiên tòa xông lên tấn công chủ tọa, không cho tuyên án khiến chủ tọa phải bỏ chạy ra ngoài. Thậm chí, tại TAND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa bị người tham dự lao vào kẹp cổ, đánh tới tấp. Khi Thẩm phán bỏ chạy, thì đối tượng đã nhặt hồ sơ của vụ án xé tan tành…

Để tăng thêm tính uy nghiêm và sự an toàn trong các phiên tòa, Chánh án TANDTC đã xây dựng dự thảo Thông tư Quy định về phòng xử án. Tại Điều 5 của dự thảo Thông tư quy định phòng xét xử vụ án hình sự thông thường; vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi; vụ án hành chính, vụ án dân sự; phòng họp giải quyết việc dân sự; phòng họp xem xét, giải quyết áp dụng biện pháp xử lý hành chính; phòng họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. phòng xét xử, phòng họp giải quyết vụ việc do Tòa án tiến hành có hàng rào ngăn cách.

Hàng rào ngăn cách được làm bằng chất liệu gỗ tự nhiên, màu nâu sẫm, cao 0,65 m chạy dài suốt chiều rộng của phòng xét xử các vụ án và phòng họp giải quyết các loại vụ việc do Tòa án tiến hành để ngăn tách thành hai khu riêng biệt. Theo đó,  khu phía trên hàng rào dành cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; khu phía dưới dành cho những người tham dự phiên tòa nhằm tạo sự ngăn cách đảm bảo an toàn và tăng thêm tính uy nghiêm chốn công đường. Riêng đối với phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm thì dự thảo Thông tư Quy định về phòng xử án không có hàng rào ngăn cách vì Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán TAQS Trung ương khi xử án giám đốc thẩm, tái thẩm thì chỉ có những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mà không có người tham dự phiên tòa.

Hiện nay, tại chương trình Tòa tuyên án phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phiên tòa hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình… đã đưa vào sử dụng hàng rào ngăn cách giữa những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với những người tham dự phiên tòa. Việc bố trí phòng xét xử, phòng họp giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND có hàng rào ngăn cách thành hai khu riêng biệt, qua nhiều lần hội thảo và lấy ý kiến của các chuyên gia, các Tòa án trong toàn quốc đã được hầu hết mọi người đồng thuận.

Bên cạnh đó, Chánh án TANDTC cũng xây dựng dự thảo Thông tư quy định về Nội quy phiên tòa mới thay thế Thông tư số 01/2014/TT-CA, ngày 28/4/2014 của Chánh án TANDTC quy định về Nội quy phiên tòa. Theo dự thảo Thông tư Nội quy phiên tòa  thì “Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị  Chủ tọa phiên tòa xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính hoặc bị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”. Dự thảo Thông tư này đang tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia pháp lý và cán bộ, Thẩm phán TAND, TAQS các cấp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng xét xử, phòng họp giải quyết vụ việc có hàng rào ngăn cách: Bảo đảm an toàn cho phiên tòa