Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tham dự hội thảo tìm hiểu về án lệ của Nhật Bản

Ngọc Minh| 29/09/2017 23:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 29/9, TANDTC phối hợp với Văn phòng Dự án JICA tổ chức hội thảo tìm hiểu về án lệ của Nhật Bản tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tham dự hội thảo có: Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC, Giám đốc Học viện Tòa án; Đồng chí Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế TANDTC; Ông Murakami Keiichi, Giáo sư Nhật Bản; Ông Endo Kenji, Giáo sư Nhật Bản.

Trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2015, Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, TANDTC đã phối hợp cùng Văn phòng Dự án tổ chức Hội thảo tìm hiểu về án lệ của Nhật Bản. Hội thảo do Giáo sư Murakami Keiichi, chuyên gia giàu kinh nghiệm trình bày. Hội thảo là cơ hội tốt để các đại biểu tìm hiểu sâu hơn về hệ thống án lệ của Nhật bản và đưa ra những kiến nghị liên quan đến công tác xây dựng, áp dụng án lệ của Việt Nam.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tham dự hội thảo tìm hiểu về án lệ của Nhật Bản

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các giáo sư và chuyên gia Nhật Bản trình bày chủ đề: Bàn về định chế án lệ nhằm áp dụng vào Việt Nam, trong đó có các phần: Tính cần thiết của định chế án lệ và cơ cấu tổ chức; tính phù hợp của án lệ; việc có hay không lực ràng buộc và biểu lộ phạm vi án lệ; triển vọng của án lệ tại Việt Nam…

Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC, Giám đốc Học viện Tòa án đã nêu mục đích, yêu cầu của hội thảo và mong muốn hội thảo sẽ đạt được kết quả cao nhất để góp phần cho việc lựa chọn, xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam.

Mở đầu nội dung buổi hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ khẳng định việc áp dụng án lệ là một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020. Phó Chánh án cũng đưa ra khái niệm án lệ; giải thích vì sao phải áp dụng án lệ; nguyên tắc công nhận và ràng buộc trong áp dụng án lệ…

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tham dự hội thảo tìm hiểu về án lệ của Nhật Bản

Giáo sư Murakami Keiichi trình bày tại Hội thảo.

Giáo sư MuraKami cũng bày tỏ sự quan tâm đến quá trình lựa chọn và xây dựng án lệ và ông mong rằng, với những kinh nghiệm thực tế nhiều năm nghiên cứu về án lệ, thông qua hội thảo này sẽ góp một phần nào đó vào việc áp dụng án lệ tại Việt Nam. Giáo sư MuraKami khẳng định tầm quan trọng của án lệ trong hệ thống pháp luật. Ông cho rằng Việt Nam nên tham khảo và học tập kinh nghiệm xây dựng án lệ của một số nước phương tây như Anh, Mỹ cũng như Nhật Bản. Đây là những quốc gia đã rất thành công trong việc sử dụng án lệ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao thì cần chú ý tới đặc thù kinh tế - chính trị - xã hội cụ thể ở Việt Nam.

Giáo sư Mura Kami cho rằng: Trong năm 2016, 10 án lệ được công bố tại Việt Nam, chỉ có 4 án lệ có thể coi là những án lệ phù hợp với án lệ quy phạm, ngoài ra các vụ án khác thì rất khó để nhìn thấy tính quy phạm nên đơn thuần chỉ là án lệ tham khảo.

Tại Việt Nam, quyết định của Giám đốc thẩm hiện đang là nguồn của án lệ. Giám đốc thẩm là nhằm mục đích không chỉ sửa chữa những lỗi sai về giải thích và áp dụng pháp luật mà còn sửa cả những sai sót trong việc nhận định sự thật của các bản án đã có hiệu lực. Để tăng cường được số lượng án lệ, cần tính đến cả phương thức tuyển chọn án lệ từ những vụ án mà Giám đốc thẩm vẫn giữ nguyên bản án của cấp xét xử trước đó; đồng thời nghiên cứu phương pháp để lựa chọn một cách tích cực các trường hợp xét xử về các luận điểm liên quan đến việc giải thích và áp dụng pháp luật.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tham dự hội thảo tìm hiểu về án lệ của Nhật Bản

Toàn cảnh hội nghị

Hội thảo diễn ra rất sôi nổi với nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Có thể nói, án lệ nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán.

Cuối buổi hội thảo, đồng chí Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế TANDTC đã tổng kết nội dung hội thảo và đánh giá cao sự đóng góp, chia sẻ của các giáo sư, chuyên gia đến từ Nhật Bản. Đồng chí ông cho rằng án lệ ra đời là kết quả của quá trình nghiên cứu, xây dựng pháp luật, tạo ra thêm hành lang pháp lý cho đội ngũ Thẩm phán xem xét và áp dụng trong xét xử. Ông cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới khi Việt Nam công bố được nhiều án lệ hơn thì sẽ góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, đảm bảo công bằng, minh bạch để chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ trân trọng cảm ơn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giúp đỡ, thực hiện các chương trình hợp tác, tăng cường năng lực cho hệ thống TAND Việt Nam; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác có hiệu quả của JICA trong thời gian tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tham dự hội thảo tìm hiểu về án lệ của Nhật Bản