Nỗ lực khắc phục án quá hạn tại Tòa án các cấp (kỳ 2): Các giải pháp khắc phục

Lê Hoài Nam| 12/11/2014 05:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong kỳ trước, chúng tôi đã nêu ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng án quá hạn ở Tòa án các cấp. Kỳ này, chúng tôi xin nêu ra những giải pháp, biện pháp khắc phục tình trạng này…

Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo

Lãnh đạo TAND các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị Tòa án cấp huyện, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc và để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực hoặc có vi phạm pháp luật mà để án quá hạn không đưa ra giải quyết, tổ chức họp giao ban định kỳ để rút kinh nghiệm trong công tác xét xử.

Lãnh đạo các đơn vị cần nghiên cứu thay đổi phương thức làm việc, phân công thụ lý vụ án phải cụ thể hơn, đặt ra hạn định giải quyết rõ ràng hơn giành thời gian thỏa đáng để giải quyết dứt điểm án tồn đọng.

 Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử các loại án; kiểm tra, rà soát thời hạn các vụ án đã thụ lý để sớm có kế hoạch giải quyết các vụ án quá hạn và gần hết hạn luật định, kiên quyết không để án tồn đọng.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân đang còn tồn đọng; đẩy mạnh công tác hòa giải trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Tạo điều kiện và động viên cán bộ, công chức để giải quyết dứt điểm án quá hạn.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thư ký để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn hệ thống. Ưu tiên cử các Thẩm phán cấp huyện, nhất là các Thẩm phán mới được bổ nhiệm đi tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn.

Phối hợp tốt với các ngành liên quan 

 Chủ động kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các địa phương để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết, cung cấp đầy đủ các chứng cứ, tài liệu đang lưu giữ để góp phần giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Nỗ lực khắc phục án quá hạn tại Tòa án các cấp (kỳ 2): Các giải pháp khắc phục

Một phiên tòa hình sự ở Đắk Lắk                               Ảnh minh họa

Các Thẩm phán cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với các vụ án phức tạp cần chủ động báo cáo xin ý kiến lãnh đạo để trao đổi, thảo luận cùng nhau kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cần chủ động tăng cường nghiên cứu hồ sơ và chủ động giải quyết khi có tình tiết mới phát sinh trong vụ án để giải quyết triệt để tránh trường hợp hoãn phiên tòa nhiều lần.

 Những Thẩm phán có nhiều án quá hạn luật định, hồ sơ ra quyết định tạm đình chỉ không đúng pháp luật sẽ không được bình xét các danh hiệu thi đua, các đơn vị cần đưa việc giải quyết án quá hạn vào chỉ tiêu thi đua xếp loại hàng năm để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán. Đối với những Thẩm phán có hồ sơ để quá hạn luật định do lỗi chủ quan, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, trường hợp vi phạm thì căn cứ mức độ lỗi để có hình thức xử lý phù hợp.

Những kiến nghị

Bên cạnh những biện pháp cụ thể để kịp thời hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý cho Tòa án giải quyết tốt các loại án, công tác tổ chức, cán bộ cần được quan tâm hơn nữa.

Về chuyên môn: Khẩn trương hướng dẫn cụ thể đối với Điều 32a Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2011 (BLTTDS): Theo quy định tại Điều 32a BLTTDS thì Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật khi quyết định đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có quyền giải quyết và được xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Trong trường hợp này thẩm quyền giải quyết vụ việc được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, điều luật trên chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể nên có sự nhận thức khác nhau về khái niệm “Rõ ràng trái pháp luật” và trình tự thủ tục để giải quyết đối với trường hợp phải hủy quyết định cá biệt (Tòa án chỉ giải quyết khi có yêu cầu của đương sự hay cả khi đương sự không có yêu cầu?, hình thức yêu cầu của đương sự như thế nào?, người yêu cầu có phải nộp án phí hành chính hay không?...).

 Về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011); cụ thể như sau:  Trước hết là kéo dài thời gian giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài (Khoản 1 và Khoản 3 Điều 179). Thực tế hiện nay những vụ án có yếu tố nước ngoài khi giải quyết Tòa án phải ủy thác điều tra mà thời gian có kết quả ủy thác nhanh là 06 tháng, nếu chưa đạt phải ủy thác lần thứ hai thêm 06 tháng nữa, dẫn đến quá hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Đơn giản thủ tục cấp, tống đạt các văn bản tố tụng: đề nghị thời gian niêm yết kéo dài 30 ngày và không cần niêm yết hợp lệ hai lần như quy định Khoản 1  Điều 182 về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được.

 Cần quy định cụ thể nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự, không nên quy định chung chung như tại Khoản 4 Điều 79 về nghĩa vụ chứng minh, luật không quy định thời hạn cuối cùng để đương sự chứng minh cho yêu cầu của mình… khi cấp phúc thẩm đương sự xuất trình chứng cứ mới dẫn đến án sơ thẩm bị hủy kéo dài vụ án…

 Khoản 1 Điều 184 về giao nộp chứng cứ… cần có hướng dẫn quy định cụ thể việc đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả như thế nào…

 Đề nghị bổ sung vào Điều 192 về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với trường hợp là nguyên đơn nhưng không chịu nộp tạm ứng chi phí đo vẽ, định giá theo yêu cầu của Tòa án.

 Đề nghị hướng dẫn giải thích chương XXIII Bộ luật Tố tụng dân sự về khiếu nại tố cáo trong tố tụng dân sự vừa bảo đảm quyền khiếu nại của công dân, vừa bảo đảm thời hạn xét xử…

 Do có sự nhận thức không thống nhất, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính; quyết định giải quyết khiếu nại có phải là quyết định hành chính và là căn cứ giải quyết vụ án hành chính hay không?

 Cần có biện pháp phối hợp với Chính phủ ban hành quy định trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác bổ trợ tư pháp, trong hoạt động tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và quy định mức tiền nộp để thực hiện tương trợ tư pháp, hợp pháp hóa lãnh sự.

Về tổ chức: Xây dựng quy trình, thủ tục bổ nhiệm, tái bổ nhiệm Thẩm phán một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn đối với Thẩm phán của Tòa án các cấp để có thể phân bổ, điều động Thẩm phán một cách hợp lý. Đưa việc để án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Thẩm phán vào chỉ tiêu thi đua, đánh giá, phân loại cán bộ công chức hàng năm.

 Quan tâm chế độ tiền lương, chính sách và chế độ đãi ngộ cho Thẩm phán và cán bộ công chức trong hệ thống Tòa án, tạo điều kiện cho họ đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ.

Hoạt động của các văn phòng thừa phát lại có nhiều chức năng gắn liền với hoạt động tố tụng nên cần phát huy nhân rộng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm để các lãnh đạoTòa án nắm bắt chính xác số vụ án quá hạn luật định từ đó có biện pháp kiểm tra, chỉ đạo sát sao. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực khắc phục án quá hạn tại Tòa án các cấp (kỳ 2): Các giải pháp khắc phục