Những sửa đổi, bổ sung về thủ tục tố tụng trong Bộ luật TTHS 2015

Phương Nam| 03/09/2018 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm đáp ứng những yêu cầu của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung về các thủ tục tố tụng.

 Mở rộng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự

Một trong những đổi mới có tính đột phá của Bộ luật TTHS năm 2015 là việc mở rộng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân thương mại, bên cạnh chủ thể chịu TNHS truyền thống là cá nhân. Vì vậy, để đáp ứng các quy định mới này, Bộ luật TTHS năm 2015 đã dành 16 điều luật (từ Điều 431 đến Điều 446) để quy định các thủ tục tố tụng truy cứu TNHS pháp nhân.

Theo đó, sau khi thực hiện các hành vi có dấu hiệu  tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và bị khởi tố, thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thì các hoạt động tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án sẽ được thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

Đổi mới quan trong thứ hai là chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội...

Kế thừa nguyên tắc nhân đạo nêu trên, BLHS năm 2015 đã có những đổi mới theo hướng “có lợi” hơn cho người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo đó, BLTTHS 2015 đã mở rộng các trường hợp được miễn TNHS và nhằm phát huy các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay vì áp dụng các biện pháp chế tài hình sự. Cụ thể: Nếu người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả gây ra thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục.

Những sửa đổi, bổ sung về thủ tục tố tụng trong Bộ luật TTHS 2015

Điểm mới cơ bản của Bộ luật TTHS năm 2015 là lần đầu tiên  quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện

Để thực hiện quy định mới này, Bộ luật TTHS năm 2015 tại các điều 426, 427, 728 và 429 đã giao trách nhiệm cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS, gồm: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về “hạn chế số lượng hình phạt tử hình trong cơ cấu hình phạt của Bộ luật Hình sự”, BLHS năm 2015 tiếp tục bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội (trong đó có 5 tội bỏ hoàn toàn).

Ngoài ra, BLHS cũng đã mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình, gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn. Trong trường hợp này sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân. Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã giao cho Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án TANDTC để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành chung thân cho người bị kết án.

Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện

Về chế định xóa án tích, nếu như trong BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật TTHS năm 2003 quy định: Trong mọi trường hợp xóa án tích do Tòa án thực hiện, thì đến Bộ luật TTHS năm 2015 đã có những đổi mới theo hướng: Đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích (Điều 70) thì giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện; các trường hợp xóa án tích còn lại (tại Điều 71 và Điều 72) sẽ giao cho Tòa án. Vì vậy, Điều 369 Bộ luật TTHS năm 2015 đã cơ cấu hai thủ tục xóa án tích khác nhau cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp đương nhiên được xóa án tích và thủ tục xóa án tích do Tòa án thực hiện sau khi nhận được đơn của người bị kết án và ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp về việc đủ điều kiện xóa án tích.

 Một trong những điểm mới cơ bản của Bộ luật TTHS năm 2015 là lần đầu tiên  quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 64) nhằm tạo cho phạm nhân có cơ hội được trở về với cộng đồng sớm hơn nhưng phải chịu sự giám sát của chính quyền cơ sở khi về sinh sống tại cộng đồng, điều này góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế khả năng tái phạm của họ... Nhằm đáp ứng các đổi mới này, Điều 368 Bộ luật TTTHS năm 2015 đã giao trách nhiệm cho trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn và chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù; Viện kiểm sát có trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ và phải ra văn bản thể hiện quan điểm về việc đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan đề nghị; trách nhiệm và thủ tục Tòa án mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện; thủ tục xử lý trong trường hợp người được tha tù trước thời hạn vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sửa đổi, bổ sung về thủ tục tố tụng trong Bộ luật TTHS 2015