Những nội dung của Hiến pháp năm 2013 cần được thể chế hóa trong Luật TTHC (sửa đổi)

Minh Khuê - Hà Ngân| 01/11/2014 07:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiến pháp năm 2013 quy định về TAND so với Hiến pháp năm 1992 có nhiều nội dung mới, đó chính là những định hướng quan trọng đổi mới về tổ chức và hoạt động của TAND.

Do đó, trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung lần này) cần thiết phải thể chế hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013 các nguyên tắc về tổ chức hoạt động của TAND, đặc biệt là các nội dung mới so với Hiến pháp năm 1992.

 

Các nội dung mà Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung) cần phải thể chế hóa, cụ thể là:

1. Về chức năng, nhiệm vụ của TAND

Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn Hiến pháp năm 2013 đã quy định TAND thực hiện quyền tư pháp. Đây là điểm rất mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992. Nội dung mới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phân định quyền lực nhà nước theo hướng TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Đây cũng là định hướng quan trọng nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước theo kiểu nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà ở đó quyền lực thuộc về nhân dân, các cơ quan nhà nước chỉ là chủ thể thực hiện các quyền đó. Đối với TAND, với chức năng thực hiện quyền tư pháp trong lĩnh vực xét xử các vụ án hành chính, thì Luật Tố tụng hành chính thể hiện như sau:

Thực hiện quyền tư pháp của TAND với ý nghĩa nhằm đảm bảo công bằng trong xã hội, mà trước hết TAND là một trong những nơi để công dân đặt niềm tin, nhờ cậy nhằm giải quyết và bảo vệ khi mà họ cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại do các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước gây ra. Đồng thời, với ý nghĩa này, thực hiện quyền tư pháp của TAND còn nhằm đảm bảo cho các quyền cơ bản của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định trong đó có quyền: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (khoản 1 Điều 30 Hiến pháp năm 2013). Như vậy thì cần thiết có thêm 1 điều luật về chức năng nhiệm vụ của TAND khẳng định chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án dân dân trong lĩnh vực giải quyết, xét xử các vụ án hành chính nhằm bảo đảm các quyền của công dân, bảo đảm công bằng xã hội.

Những nội dung của Hiến pháp năm 2013 cần được thể chế hóa trong Luật TTHC (sửa đổi)

Một phiên tòa xét xử vụ án hành chính

Thực hiện quyền tư pháp của TAND còn có ý nghĩa nhằm bảo đảm mối quan hệ chế ước lẫn nhau và giám sát giữa cơ quan thực hiện quyền tư pháp với cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Do đó, trong lĩnh vực giải quyết và xét xử các vụ án hành chính, ngoài việc ra các bản án, quyết định về vụ việc cụ thể, TAND có thẩm quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức về những nguyên nhân, điều kiện phát sinh các khiếu kiện hành chính, để từ đó cơ quan hành chính có thẩm quyền xem xét, khắc phục, ví dụ như hiện nay các khiếu kiện hành chính về lĩnh vực đất đai là rất lớn về số lượng, và tính chất mức độ phức tạp của vụ việc ngày càng phức tạp, vì vậy thông qua công tác xét xử các vụ án hành chính về lĩnh vực đó, TAND cần thiết phải có tổng kết, để từ đó xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh các khiếu kiện này. Như vậy, nội dung nêu trên về thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân cần được bổ sung trong các điều luật mà Luật Tố tụng hành chính hiện hành đã quy định.

Thực hiện quyền tư pháp của TAND với ý nghĩa  xác định vị trí của Tòa án nhân dân các cấp, là cơ quan tiến hành tố tụng, còn các cơ quan hành chính, tổ chức, cá nhân là người tham gia tố tụng. Như vậy, trong các điều luật của Tố tụng hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ ràng, rành mạch quyền và nghĩa vụ của Tòa án trong từng hành vi tố tụng để những người tiến hành tố tụng (Thẩm phán, Hội thẩm) thực hiện thuận lợi, ít phải hướng dẫn, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

2. Về hệ thống  TAND

Tại khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân gồm TANDTC và các Tòa án khác do luật quy định”. Như vậy, về hệ thống  TAND sẽ do Luật tổ chức TAND cụ thể hóa quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, về thẩm quyền giải quyết xét xử các vụ án hành chính do Luật Tố tụng hành chính quy định, vì vậy trong bài viết này, Chúng tôi nêu thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hành chính theo mô hình tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành.

Xuất phát từ thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết xét xử các vụ án hành chính mà đối tượng khởi kiện là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, của UBND, các cơ quan hành chính khác của cấp huyện và cấp xã, qua thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều bất cập như: tâm lý của Thẩm phán, Hội thẩm, Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp huyện ngại thụ lý, xét xử vì cho rằng trong cùng địa bàn huyện thường là có mối quan hệ công tác, hoặc các quan hệ khác nên việc giải quyết xét xử gặp khó khăn phức tạp. Vì vậy để khắc phục bất cập này, có thể thay đổi thẩm quyền của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện về thẩm quyền giải quyết xét xử đối với các đối tượng khởi kiện theo hướng sau đây:

Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính mà đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan hành chính có thẩm quyền ra các quyết định hành chính, hành vi hành chính ở xã, phường, thị trấn.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính mà đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết, xét xử sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị.

Tòa phúc thẩm TANDTC hiện nay (sau này có thể là TAND cấp cao) có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án hành chính của TAND cấp tỉnh giải quyết, xét xử sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị.

Quy định về thẩm quyền nêu trên sẽ tạo điều kiện để Tòa án nhân dân tập trung nguồn lực cần thiết cho việc giải quyết xét xử các vụ án hành chính, vì TAND cấp tỉnh sẽ là nơi chủ yếu giải quyết xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính. Đồng thời đây cũng là tiền đề để hướng tới việc có thể thành lập các Tòa án hành chính khu vực nhằm thực hiện nhiệm vụ chỉ chuyên về giải quyết xét xử các vụ án hành chính.

3. Về các nguyên tắc hoạt động của TAND

Về các nguyên tắc hoạt động của TAND, Hiến pháp năm 2013 có nhiều nội dung mới so với Hiến pháp năm 1992, các nội dung mới đó nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết xét xử các loại vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp. Do đó, pháp luật tố tụng nói chung, Luật Tố tụng hành chính nói riêng phải cụ thể hóa các nội dung về các nguyên tắc hoạt động của TAND mà Hiến pháp năm 2013 quy định.

Đồng thời phải xác định các nguyên tắc đó mang tính chất Hiến định, nên các nội dung của nguyên tắc là những căn cứ pháp lý để sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của Luật Tố tụng hành chính phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Cụ thể là:

a, Đối với nguyên tắc “Việc xét xử sơ thẩm của TAND có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”.

- Trước hết nguyên tắc này về cơ bản kế thừa Hiến pháp năm 1992, chỉ có nội dung mới đó là trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn thì không có Hội thẩm tham gia.

- Hội thẩm bao gồm: Hội thẩm nhân dân, do Hội đồng nhân dân bầu theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND có thẩm quyền xét xử sơ thẩm; và Hội thẩm quân nhân do cấp có thẩm quyền trong Quân đội cử, Hội thẩm quân nhân tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân không tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm.

- Với nội dung, ý nghĩa của nguyên tắc này thì Luật Tố tụng hành chính phải có khái niệm về xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn, đương nhiên khái niệm đó phải bao hàm các nội dung: rút gọn là chỉ cần 1 Thẩm phán tiến hành xét xử không có Hội thẩm tham gia, và thời hạn xét xử cũng phải rút ngắn so với thời hạn xét xử mà pháp luật tố tụng hiện hành quy định về thời hạn xét xử sơ thẩm.

Đồng thời Luật Tố tụng hành chính phải quy định tiêu chí đối với các vụ án áp dụng thủ tục rút gọn theo hướng các tiêu chí đó phải cụ thể hóa các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, và cần giải quyết xét xử nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật. 

(Còn nữa) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nội dung của Hiến pháp năm 2013 cần được thể chế hóa trong Luật TTHC (sửa đổi)