Nhiều quy định đáng chú ý từ Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Bình Nguyên| 27/11/2015 08:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với Bộ luật Tố tụng dân sự, ngày 25/11, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng, khắc phục những bất cập trong thực tiễn hiện nay.

Phân định rõ thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính

Luật gồm 23 chương, 372 điều quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu TAND bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này. Đáng chú ý, tại khoản 4 Điều 32 quy định, TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Tố tụng hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Về phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 31, Điều 32), vẫn còn có ý kiến khác nhau về việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Nhiều quy định đáng chú ý từ Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Một phiên tòa hành chính

UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Kết quả, có 279 vị đại biểu Quốc hội (67,7%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; có 126 vị đại biểu Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ 2 (30,6%). Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thể hiện tại Điều 32 của dự thảo Luật.

Theo đó, TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TANDTC, VKSNDTC và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước đó; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện...

Thẩm quyền xử lý văn bản trái luật

Về thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; nghị quyết, pháp lệnh của UBTVQH, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính, Luật (sửa đổi) quy định:

Trường hợp chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Chánh án TAND thực hiện việc kiến nghị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quy định tại Điều 112 của Luật này thực hiện việc kiến nghị; trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc vụ án đang được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì Hội đồng xét xử đề nghị Chánh án TAND thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền. Đó là: Chánh án TAND cấp huyện có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống; đề nghị Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp tỉnh; báo cáo Chánh án TAND cấp cao đề nghị Chánh án TANDTC kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương; Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TAND cấp cao có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án TANDTC kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương; Chánh án TANDTC tự mình hoặc theo đề nghị của Chánh án TAND quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương…

Về thẩm quyền trong thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, UBTVQH cho rằng: Việc quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC có thẩm quyền hủy quyết định đã ban hành, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để quyết định lại nội dung vụ án hoặc giao hồ sơ cho Tòa án cấp dưới xét xử lại hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của TANDTC trong trường hợp TANDTC có vi phạm pháp luật nghiệm trọng là cần thiết. Quy định như vậy là khắc phục được những sai lầm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Vì vậy, dự thảo Luật đã được thể hiện theo tinh thần này.

Về việc thi hành án hành chính, trước đó, khi thảo luận tại hội trường, các ý kiến đề nghị quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm thi hành án hành chính hoặc giao việc thi hành án hành chính cho Tòa án.

UBTVQH cho rằng, theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì TAND không được giao thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định hành chính. Vì vậy, dự thảo Luật không quy định Tòa án là Cơ quan thi hành án hành chính. Để khắc phục những bất cập trong thi hành án hành chính hiện nay, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung về quyền của người được thi hành án yêu cầu Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án đối với trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án; về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án trong việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án và trách nhiệm của Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án và xử lý trách nhiệm của người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án tại Điều 312. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định chế tài xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính như Điều 314 Luật Tố tụng hành chính.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết ban hành Luật này. Nghị quyết nêu rõ, kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực (ngày 1/7/2016), đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý, giải quyết trước ngày 1/7/2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quy định đáng chú ý từ Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)