Nguyên Phó Chánh án TANDTC Lê Thúc Anh: “Người lãnh đạo không chỉ có tầm vĩ mô mà cần có cả vi mô nữa”

Nguyễn Linh Giang| 09/09/2016 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 5 năm làm Chánh án TAND Tp.Hồ Chí Minh và 6 năm làm Phó Chánh án TANDTC phụ trách phía Nam, kiêm Chánh Tòa phúc thẩm TANDTC, ông Lê Thúc Anh đã nghỉ hưu tại Tp.HCM.

Nghỉ hưu rồi nhưng ông lại năng nổ ở một cương vị khác, luôn suy tư và có nhiều tâm huyết về hoạt động của hệ thống TAND.

Học tập không ngừng, từng bước đi lên

Ông Lê Thúc Anh, sinh năm 1943, quê quán tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1963 ông tham gia quân đội, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 tên lửa phòng không - đơn vị anh hùng. Năm 1980, ông chuyển ngành, sang làm Chánh văn phòng, phụ trách công tác tổ chức cán bộ tại TAND Tp.HCM. Ở môi trường mới, bên cạnh bằng cử nhân kinh tế, ông học tập thêm, tốt nghiệp cử nhân luật, cao cấp chính trị. Qua quá trình công tác, ông được bổ nhiệm Thẩm phán, Chánh Tòa hình sự, rồi Phó Chánh án và đến Chánh án TAND Tp.HCM; Đại biểu HĐND Tp.HCM.

Ông Lê Thúc Anh bồi hồi nhớ lại: TAND Tp.HCM được thành lập năm 1976. Lúc đầu, lực lượng còn quá mỏng, TAND Tp.HCM chỉ có 7 Thẩm phán; mỗi Tòa án quận, huyện trung bình chỉ có 3 Thẩm phán với thành phần chủ yếu là cán bộ chính trị và cán bộ quân đội chuyển ngành qua, chuyên môn hầu như chưa có gì. Luật của ta lúc đó chủ yếu là mang tính khái quát, đặc trưng, tổng hợp, chứ không cụ thể như hiện nay. Về hình sự, xét xử theo Sắc luật SL 03 của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN. Cơ sở vật chất của TAND Tp.HCM còn khó khăn, chỉ nói riêng giấy dùng còn bị thiếu, phải dùng giấy cũ trong kho lưu trữ. Có đơn vị như TAND huyện Bình Chánh, trụ sở chật hẹp, Chánh án phải làm một cái chòi ở bờ ao để làm việc. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao nên đội ngũ TAND Tp.HCM đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng nền móng cho TAND Tp.HCM và các Tòa án quận huyện, đảm đương nhiệm vụ lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, tham gia xét xử ở thành phố đông dân và phức tạp nhất cả nước.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Lê Thúc Anh: “Người lãnh đạo không chỉ có tầm vĩ mô mà cần có cả vi mô nữa”

Ông Lê Thúc Anh, nguyên Phó Chánh án TANDTC

TAND Tp.HCM có lượng án lớn, thường chiếm 30 - 40% án cả nước. Riêng án kinh tế, có lúc chiếm 45% án cả nước, nhiều vụ án lớn, phức tạp như vụ nước hoa Thanh Hương (năm 1990, gây thiệt hại 116 tỷ đồng thời đó).

Đầu năm 1999, ông Lê Thúc Anh được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TANDTC phụ trách phía Nam, kiêm Chánh Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp.HCM. Ở cương vị mới, ông đã củng cố và xây dựng lại quy chế làm việc, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo Thẩm phán cho TAND các tỉnh, thành từ đội ngũ thư ký có chuyên môn nghiệp vụ... Ở Tòa phúc thẩm TANDTC, ông Lê Thúc Anh đã chỉ đạo xét xử nhiều vụ án lớn, như: Tamexco, Tân Trường Sanh, Epco - Minh Phụng, Mai Văn Huy, vụ Trương Văn Cam (Năm Cam)...

Sau khi nghỉ hưu, năm 2009, ông Lê Thúc Anh được Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức và xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Với trọng trách Bí thư Đảng đoàn LĐLSVN, ông đã cùng tập thể xây dựng và tạo nền móng cho LĐLSVN phát triển, vị thế của LĐLSVN được nâng cao.

Đề xuất sửa luật từ thực tiễn xét xử

Ông Lê Thúc Anh cho biết: Trong vụ nước hoa Thanh Hương, hành vi chính là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Hành vi này, theo luật lúc đó, án cao nhất chỉ 15 năm tù. Sau vụ này, theo kiến nghị của TAND Tp.HCM, luật hình sự đã sửa đổi, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được nâng lên mức án cao nhất là tử hình.

Vụ án Epco - Minh Phụng, thời gian xét xử dài. Luật lúc đó chỉ cho phép thay đổi Thẩm phán trong Hội đồng xét xử, không thay đổi được Chủ tọa phiên tòa. Nhưng qua thực tế xét xử, TAND Tp.HCM kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được phép thay đổi cả Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa. Sau này, luật đã sửa đổi, được thay đổi cả Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa.

Luật tố tụng của ta nặng về xét hỏi, Thẩm phán xét hỏi là chủ yếu. Ngay từ năm 1996, qua thực tiễn xét xử, ông Lê Thúc Anh đã đề xuất việc coi trọng tranh tụng tại phiên tòa, chủ tọa chỉ điều hành, để Viện kiểm sát và luật sư tranh tụng. Đi xa hơn, ông Lê Thúc Anh cho rằng, phải tranh luận ngay từ đầu phiên xét xử, sau khi khai mạc phiên tòa. Kể cả tranh luận về thay đổi những người tiến hành tố tụng. Đặc biệt, tranh luận ngay giai đoạn thẩm vấn, vì chiếm 70% thời gian xét xử, là giai đoạn quan trọng nhất; xem xét, đánh giá chứng cứ thì phải tranh luận ở đây và từ đó mới rõ tội gì. Sau này, Nghị quyết 49, Nghị quyết 08 đã công nhận, coi trọng tranh tụng tại phiên tòa là trọng tâm, phán quyết của Tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng.

Một vấn đề nữa, hiện nay, khi xét xử, có vướng mắc mà tại Tòa không rõ, thì Tòa trả lại hồ sơ, sau khi làm rõ thì Tòa làm lại từ đầu. Ông Lê Thúc Anh kiến nghị: khi có vấn đề tại Tòa  không rõ thì trả lại hồ sơ. Sau khi mở phiên tòa lại thì không phải làm xét xử từ đầu, chỉ cần tóm tắt xét xử phiên tòa trước cho đến lúc tạm dừng.

Nghề Thẩm phán phải có nghiệp vụ và có tâm

Ông Lê Thúc Anh có 25 năm công tác trong hệ thống TAND, từ một cán bộ quân đội chuyển ngành, qua học tập rèn luyện thành Thẩm phán, rồi làm Phó Chánh án TANDTC. Ông tâm đắc: người Thẩm phán phải có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, cương trực, có tâm. Theo ông, mỗi vụ án gắn liền với số phận một hay nhiều con người, nó dẫn đến quyền tự do dân chủ, kể cả tính mạng, tài sản...Do đó, người Thẩm phán không thể vì mình xét xử nhiều mà chai lỳ. Khi xét xử, người Thẩm phán phải đứng vào hoàn cảnh của bị cáo, đương sự mà cân nhắc, xem xét toàn diện, bởi vì, nói cho cùng, bị cáo cũng là một con người; quyền con người là quyền cao nhất.

Nghề Thẩm phán yêu cầu phải có chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Thẩm phán phải nắm chắc và vận dụng pháp luật đúng đắn, phải có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; hết lòng hết sức vì công việc, vì nhân dân, như lời Bác Hồ đã dạy: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Với tư cách là người từng giữ chức vụ Phó Chánh án TANDTC, ông Lê Thúc Anh tâm niệm rằng người lãnh đạo phải không những có tầm vĩ mô, mà đồng thời có cả vi mô nữa.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Phó Chánh án TANDTC Lê Thúc Anh: “Người lãnh đạo không chỉ có tầm vĩ mô mà cần có cả vi mô nữa”