Một số nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong các TAND

Ngô Tiến Hùng, Chánh tòa Tòa Lao động TANDTC| 23/01/2015 10:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kể từ ngày 1/2 đến ngày Luật Tổ chức TAND có hiệu lực thi hành (1/6/2015), Chánh án TANDTC có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của TAND các cấp theo quy định.

Đó là yêu cầu triển khai thực hiện quy định của Luật Tổ chức TAND 2014, Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức TAND về Tòa gia đình và người chưa thành niên; Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội quy định. Như vậy, các công tác chuẩn bị cho việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên phải được triển khai thực hiện một cách khẩn trương.

Xác định thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên

Để có cơ sở thiết kế bộ máy tổ chức, cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho Tòa gia đình và người chưa thành niên, trước hết cần xác định phạm vi thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Về chức năng, Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử, giải quyết các vụ việc liên quan đến lĩnh vực gia đình và người chưa thành niên, giải quyết các vụ việc khác theo quy định của pháp luật liên quan đến người chưa thành niên. Như vậy, thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ bao gồm: Xét xử các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên; giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người vi phạm pháp luật là người chưa thành niên.

Thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên: Vấn đề này, hiện nay còn có một số quan điểm khác nhau, trong đó có quan điểm cho rằng: Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên và cả các vụ án mà bị hại là người chưa thành niên.

Chúng tôi cho rằng: Xét xử các vụ án hình sự là xem xét hành vi vi phạm pháp luật hình sự và áp dụng hình phạt, hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, xử lý người chưa thành phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp, việc điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm trên cơ sở đó phát huy tác dụng của việc xử lý, đấu tranh phòng chống tội phạm của lứa tuổi chưa thành niên phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý và mục tiêu cảm hóa, giáo dục, hướng thiện của người chưa thành niên. Do đó, Tòa gia đình và người chưa thành niên chỉ xét xử các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên. Các vụ án mà người bị hại là người chưa thành niên thì vẫn do Tòa hình sự giải quyết. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng liên quan đến người chưa thành niên (lấy lời khai, xét hỏi, xem xét vật chứng…), Tòa án phải áp dụng các quy định riêng đối với người chưa thành niên.

Đối với các vụ án có cả bị cáo là người chưa thành niên và có cả bị cáo là người đã thành niên thì Tòa án tách vụ án, để Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử đối với bị cáo là người chưa thành niên. Trường hợp không thể tách vụ án được, thì tùy trường hợp cụ thể về vai trò của bị cáo là người chưa thành niên trong vụ án mà Chánh án Tòa án nơi xét xử vụ án sẽ quyết định giao cho Tòa hình sự hay Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử, nhưng trong mọi trường hợp phải áp dụng các quy định riêng trong các hoạt động tố tụng đối với người chưa thành niên.

Thẩm quyền xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình:

 Tòa gia đình giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 27, Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự có liên quan đến lợi ích người chưa thành niên. Cụ thể là các vụ việc sau đây: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (mà có con là người chưa thành niên); tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; tranh chấp về cấp dưỡng cho con chưa thành niên; các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

Một số nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong các TAND

Ông Ngô Tiến Hùng trình bày tham luận tại Hội nghị

Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình: Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;  yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn; yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi; yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

Áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Toà gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người vi phạm pháp luật là người chưa thành niên.

Xác định tổ chức, bộ máy

Về cơ cấu, tổ chức

Tại TANDTC, để bảo đảm cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án theo quy định cần tổ chức bộ phận chuyên trách, gồm các Thẩm tra viên để tham mưu, giúp Hội đồng Thẩm phán giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Căn cứ Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội, Tòa gia đình và người chưa thành niên được thành lập tại Tòa án nhân dân cấp cao và TAND cấp tỉnh. Tổ chức bộ máy và thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ do Chánh án TANDTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đối với Tòa gia đình và người chưa thành niên tại TAND cấp tỉnh sẽ do Chánh án TANDTC quyết định.

Tại TAND cấp huyện, chúng tôi đề xuất: Trước mắt có thể phân công Thẩm phán chuyên trách xét xử, giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Là Toà chuyên trách chuyên giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, cán bộ, nhất là Thẩm phán Toà gia đình và người chưa thành niên ngoài việc phải có kiến thức chuyên môn theo quy định, phải có kiến thức về tâm sinh lý, kỹ năng sư phạm, làm việc với người chưa thành niên. Hay nói cách khác, họ phải được chuyên môn hoá cao.

Để bảo đảm cho Tòa gia đình và người chưa thành niên có thể hoạt động ngay khi Luật Tổ chức TAND 2014 có hiệu lực, TANDTC cần triển khai ngay việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án những kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục, tâm lý học cũng như hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm là người chưa thành niên, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng tiến hành tố tụng trong các vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cần tiến hành theo lộ trình phù hợp với quá trình kiện toàn về tổ chức bộ máy. Trước mắt, tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, thời gian từ 10 ngày đến 15 ngày về kỹ năng tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên, kỹ năng giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên.

Về lâu dài, cần xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cả về kiến thức pháp luật liên quan đến người chưa thành niên và kỹ năng xét xử, giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên; áp dụng cho chương trình đào tạo cơ bản, đối với các khóa đào tạo nguồn Thẩm phán và các chức danh tư pháp của TAND.

Hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự, dân sự

Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến người chưa thành niên

Cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thủ tục tố tụng hình sự cần làm rõ những yêu cầu đặc thù của việc xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên; hướng dẫn cụ thể căn cứ áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt giam giữ, phân định rõ ràng giữa tội phạm và vi phạm hành chính để áp dụng đúng hình phạt hoặc các biện pháp xử lý hành chính, các biện pháp tư pháp khác; xây dựng cơ chế và thủ tục bảo đảm sự tham gia của gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội; đặc biệt là phải bảo đảm sự tham gia của người bào chữa, nhân viên làm công tác xã hội trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án liên quan đến người chưa thành niên.

Về hình thức tổ chức phiên tòa. Theo quy định của Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc xét xử công khai hay xét xử kín do Tòa án quyết định. Luật chưa có hướng dẫn trường hợp nào thì xử công khai, trường hợp nào thì xử kín, do đó, trong thực tế có những quan điểm nhận thức và thực hiện khác nhau. Tòa Lao động cho rằng: Mục đích của việc xử kín là nhằm bảo đảm bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật; bảo đảm bí mật kinh doanh, bí mật đời tư theo yêu cầu của đương sự. Đối với các vụ án liên quan đến người chưa thành niên thì việc xử kín trước hết là nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực của vụ việc, của hành vi phạm tội, của các yếu tố tiêu cực trong quan hệ hôn nhân gia đình đến quá trình phát triển nhân cách, tâm sinh lý của người chưa thành niên. Do đó, mặc dù có thể có tác dụng tích cực về mặt tuyên truyền, giáo dục chung cho cộng đồng, nhưng vì lợi ích của người chưa thành niên trong vụ án thì về nguyên tắc, các vụ án liên quan đến người chưa thành niên sẽ được xử kín.

Về tổ chức phòng xử án và điều khiển phiên tòa. Nhìn chung, việc xét xử các vụ án tại Tòa án vẫn phải bảo đảm các chuẩn mực chung của thủ tục tài phán tư pháp; tức là bảo đảm không khí trang nghiêm của phòng xử án. Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và yêu cầu giáo dục đối với người chưa thành niên, thì phòng xử án phải có chỗ dành riêng cho bị cáo, bị hại hoặc đương sự là người chưa thành niên; không dùng vành móng ngựa đối với người chưa thành niên. Đối với người bị hại là người chưa thành niên cần quy định thủ tục cách ly bị cáo khi người bị hại khai trước tòa. Thái độ của Hội đồng xét xử trong quá trình điều khiển phiên tòa liên quan đến người chưa thành niên, đặc biệt là khi xét hỏi phải phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc hôn nhân và và gia đình liên quan đến người chưa thành niên trong Bộ luật Tố tụng dân sự

Các vụ án hôn nhân và gia đình mà quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên có liên quan đến người chưa thành niên thì Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết theo thủ tục riêng áp dụng đối với người chưa thành niên. Đối với các vụ án về hôn nhân và gia đình như: Ly hôn, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chia tài sản chung khi ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật mà quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên không liên quan đến người chưa thành niên thì Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết theo thủ tục thông thường.

Trong thực tế, hầu hết các vụ việc về hôn nhân và gia đình là có liên quan đến người chưa thành niên. Do đó, việc giải quyết các vụ việc nay phải bảo đảm các yêu cầu chung là: Hạn chế sự tác động của các yếu tố tiêu cực trong quan hệ hôn nhân gia đình đến sự phát triển của người chưa thành niên; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người chưa thành niên và đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, Tòa Lao động đề xuất một số nội dung cụ thể như sau:

Một là, trong giải quyết các vụ việc ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật; nếu các bên có con chung thì căn cứ quan trọng nhất để Tòa án quyết định giao con chung cho bên nào hoặc cho ai trực tiếp nuôi dưỡng là điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên và nguyện vọng của người chưa thành niên; trong đó, phải quy định hết sức cụ thể, chặt chẽ thủ tục hỏi ý kiến của người chưa thành niên; nhằm khắc phục tình trạng giao con chủ yếu theo yêu cầu hoặc sự thỏa thuận của các bên; hoặc tình trạng người bố hoặc người mẹ viết sẵn đơn cho con ký, hoặc đọc cho con viết, hoặc dụ dỗ, ép buộc con phải nói theo ý của họ. Việc hỏi ý kiến của con chưa thành niên phải do Thẩm phán trực tiếp thực hiện và phải được tiến hành tại trụ sở Tòa án.

Hai là, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chia tài sản chung khi ly hôn, sau khi ly hôn; giải quyết vấn đề cấp dưỡng khi ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật phải bảo đảm quyền lợi của người chưa thành niên và thực tế yêu cầu nuôi dưỡng người chưa thành niên. Để có đủ căn cứ quyết định giao con chung cho bên nào trực tiếp nuôi dưỡng thì ngoài việc yêu cầu bên nhận nuôi con phải chứng minh khả năng tài chính, Tòa án cần lấy ý kiến của chính quyền hoặc đoàn thể nơi người đó cư trú về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc người chưa thành niên.

Củng cố cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động của các Tòa gia đình và người chưa thành niên

Để công tác xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình theo định hướng từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa thì Tòa án các cấp cần phải củng cố cơ sở vật chất cho phù hợp với đối tượng tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

- Bố trí phòng hòa giải, phòng xử án phù hợp đối với việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên.

Cần thiết kế phòng hòa giải riêng để hòa giải các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, tạo được không khí gần gũi, ấm áp và thân thiện, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi chưa thành niên.

- Phòng xử án đối với các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên về trang thiết bị cần thiết kế riêng và không sử dụng vành móng ngựa khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên. Vị trí Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa cũng tạo sự thân thiện, gần gũi, tạo lòng tin cho người chưa thành niên.

- Phòng xử án đối với các vụ án hôn nhân gia đình nói chung, cần bố trí lại vị trí ngồi của Hội đồng xét xử để tạo môi trường thân thiện (không nên bố trí bàn của Hội đồng xét xử quá cao và ở khoảng cách quá xa so với bàn của các đương sự như hiện nay).

- Xây dựng cơ sở hỗ trợ tư pháp đối với người chưa thành niên. Trước mắt, cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất; phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan để tuyển dụng, đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và người chưa thành niên; sử dụng tốt nhân viên làm công tác xã hội trong tố tụng tư pháp đối với người chưa thành niên. Trong tương lai, có thể xúc tiến việc thành lập các trung tâm hỗ trợ tư pháp đối với người chưa thành niên để thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong các TAND