Một số kinh nghiệm giải quyết án hình sự đặc biệt nghiêm trọng

Tống Toàn| 05/12/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do đặc thù là Tòa án Thủ đô nên TAND TP. Hà Nội thường xuyên giải quyết nhiều vụ án lớn, trọng điểm, được dư luận xã hội rất quan tâm.

Nhiều năm qua, chất lượng công tác xét xử của TAND Thủ đô được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm. Bên cạnh đó, công tác xét xử án hình sự đã góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Hàng loạt vụ án lớn như Cù Huy Hà Vũ phạm tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Dương Chí Dũng và đồng phạm phạm tội Tham ô tài sản; Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kinh doanh trái phép, Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng v.v.. xảy ra trên địa bàn đã rúng động dư luận. Vì thế, những Thẩm phán, Thư ký ở đây đều xác định được tính chất phức tạp, nhạy cảm nên đòi hỏi việc chuẩn bị phiên tòa cũng như quá trình xét xử phải được thực hiện công phu, đúng tinh thần cải cách tư pháp, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính chuyên môn cao.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm xét xử những vụ án nêu trên, ông Nguyễn Quốc Thành, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, người đã trực tiếp chủ tọa giải quyết những vụ án lớn như Đặng Trần Hoài phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em năm 2012; vụ án Nguyễn Đức Kiên;…cho rằng: Đối với những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải được lựa chọn kỹ lưỡng. Đây phải là những Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, nhất là những lĩnh vực liên quan đến vụ án mà mình xét xử.

Tiếp đó, các Thẩm phán này phải chú trọng đặc biệt tới việc nghiên cứu hồ sơ. Đối với những vụ án lớn có thể thành lập tiểu ban nghiên cứu hồ sơ, trong đó chủ tọa vừa là người trực tiếp nghiên cứu, vừa là người tổng hợp. Để làm tốt được việc này cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu hồ sơ một cách khoa học, đầy đủ và kỹ lưỡng. Quá trình nghiên cứu hồ sơ phải hết sức tập trung, thường xuyên làm thêm vào các ngày nghỉ; không chỉ trao đổi thông tin với nhau, vừa nghiên cứu hồ sơ vừa tranh thủ nghiên cứu văn bản pháp luật, trao đổi với các chuyên gia về lĩnh vực chuyên môn… Song song với việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, cần xây dựng và dần hoàn thiện kế hoạch xét hỏi tại phiên tòa; kế hoạch tổ chức phiên tòa để làm sao tổ chức phiên tòa một cách sớm nhất.

Một số kinh nghiệm giải quyết án hình sự đặc biệt nghiêm trọng

TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Cũng theo ông Thành, Thẩm phán phải thực hiện kịp thời và đúng quy định về chế độ báo cáo cấp trên về tiến độ công việc. Cần trao đổi và liên hệ chặt chẽ với cơ quan điều tra, cơ quan truy tố vụ án để nắm bắt được nội dung vụ án, khắc phục khó khăn, vướng mắc một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, cần thực hiện đúng nguyên tắc: Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Những vụ án lớn đa phần được dư luận xã hội hết sức quan tâm, các cơ quan báo chí thường xuyên liên hệ để thu thập thông tin, cho nên cần phải thực hiện đúng quy định về chế độ phát ngôn và công bố thông tin. Để làm tốt việc này đơn vị cần cử người phát ngôn chính thức, là đầu mối tổng hợp và cung cấp thông tin. Những Thẩm phán, Thư ký liên quan đến vụ án cần được quán triệt thực hiện đúng việc giữ bí mật thông tin và kỷ luật phát ngôn.

Để phiên tòa được thành công đòi hỏi công tác chuẩn bị phiên tòa phải được thực hiện hết sức chu đáo. Việc trích xuất, triệu tập, báo gọi… đến phiên tòa phải được hết sức quan tâm, thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trước khi mở phiên tòa phải kiểm tra, đối chiếu danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa. Tránh tình trạng hoãn phiên tòa do vắng người tham gia tố tụng vì không được triệu tập hợp lệ, ông Thành nhấn mạnh.

Cuối cùng, theo kinh nghiệm của bản thân, ông Thành khẳng định, việc xét hỏi, tranh luận và nghị án phải được thực hiện với kế hoạch khoa học, hợp lý. Thời gian làm việc liên tục và khẩn trương, việc xét hỏi phải vào trọng tâm và đầy đủ. Chủ tọa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên hỏi để làm sáng tỏ nội dung vụ án, đảm bảo quyền hỏi và đề nghị hỏi của luật sư và những người tham gia tố tụng. Việc điều hành phần tranh luận của chủ tọa phải bảo đảm dân chủ theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, việc tranh luận cần làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản, còn mâu thuẫn trong vụ án. Tất cả những vấn đề liên quan đến vụ án cần phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa công khai. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số kinh nghiệm giải quyết án hình sự đặc biệt nghiêm trọng