Luật TNBTNN 2017: Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ

Phương Nam| 23/12/2018 07:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (Luật TNBTNN 2017) đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Theo đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định trách nhiệm hoàn trả bình đẳng giữa các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước mà không có sự phân biệt như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 giữa hoạt động tố tụng hình sự với các hoạt động còn lại. Theo đó, quy định trong mọi trường hợp ở cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại thì đều có nghĩa vụ hoàn trả. Trước đây, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 thì trong hoạt động tố tụng hình sự, người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Luật quy định cụ thể hơn việc xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại. Trong đó, bỏ quy định về “nghĩa vụ liên đới hoàn trả” và quy định theo hướng trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và được xác định tương ứng theo quy định với trường hợp có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Bỏ quy định về căn cứ xác định mức hoàn trả là “điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ” và coi đây là một trong những căn cứ để xác định giảm mức hoàn trả.

Quy định mức hoàn trả ngay trong Luật (trước đây nội dung về mức hoàn trả chỉ được quy định cụ thể tại Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành), đồng thời, sửa đổi theo hướng tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ tương ứng với mức độ lỗi. Quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả, đồng thời, có quy định đặc thù riêng cho lĩnh vực tố tụng hình sự.

Ngoài ra, liên quan tới quy định về trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết, so với quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 đã có sự thay đổi về quan điểm. Theo đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 coi quan hệ hoàn trả như một quan hệ dân sự thông thường nên đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của người thừa kế đối với việc hoàn trả. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 lại quy định theo hướng, trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết. Như vậy, theo quy định này thì trách nhiệm hoàn trả chỉ đặt ra đối với cá nhân người thi hành công vụ mà không đặt ra đối với người thừa kế của người đó. Quy định này dựa trên quan điểm coi quan hệ hoàn trả là quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước và người thi hành công vụ gây thiệt hại và gắn liền với trách nhiệm thực thi công vụ. Chính vì vậy, Luật không quy định trách nhiệm của người thừa kế của người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với việc hoàn trả.

Luật TNBTNN 2017:  Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ

Ảnh minh họa

Về xác định trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại: Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại thì đều có nghĩa vụ hoàn trả không phân biệt lĩnh vực nào. Như vậy, trong mọi trường hợp ở cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, cơ quan đã chi trả tiền bồi thường đều có trách nhiệm thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ có lỗi vô ý hay cố ý gây thiệt hại.

Về trách nhiệm thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả:

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, dù trong trường hợp có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại hay có nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc nhiều cơ quan khác nhau, thì trách nhiệm thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đều là cơ quan đã chi trả tiền bồi thường. Trong đó, trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan có liên quan đến việc gây thiệt hại.

Về thẩm quyền ra quyết định hoàn trả: Đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự thì thẩm quyền ra quyết định hoàn trả thuộc Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường.

 Riêng đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường chỉ ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do mình quản lý.

Đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do cơ quan khác quản lý, thì Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường chỉ thực hiện việc kiến nghị để Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do cơ quan đó quản lý.

Về thẩm quyền ra quyết định giảm mức hoàn trả: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định chỉ Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ra mới có thẩm quyền ra quyết định giảm mức hoàn trả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật TNBTNN 2017: Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ