Luật chưa quy định về “án không có điều kiện thi hành”

Nguyên Bình| 09/04/2019 08:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là một trong những vấn đề vướng mắc được đề cập đến tại cuộc họp liên ngành giải trình về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về Tờ trình số 52/TTr-BTP.

Tờ trình được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm.

Liên quan đến Đề án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo: “Trên cơ sở phân tích, phân loại, thống kê các đối tượng không có điều kiện thi hành án (THA), đối tượng chưa có điều kiện THA, Bộ Tư pháp báo cáo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về những khó khăn, nguyên nhân tồn đọng và hướng xử lý các việc THA tồn đọng, thể hiện số liệu thống kê phù hợp trong Báo cáo về THA của Chính phủ gửi Quốc hội, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (THADS), bảo đảm công khai, minh bạch”. Đây cũng là vướng mắc chung liên quan đến các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về phạm vi điều chỉnh, Đề án cần làm rõ phạm vi điều chỉnh theo hướng chỉ điều chỉnh các đối tượng không có điều kiện thi hành án và đối với khoản thu ngân sách nhà nước.

Đại diện  VKSNDTC cho rằng, từ thực tiễn công tác thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy, cần bổ sung giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ báo cáo thống kê. Hiện nay giữa các ngành còn vênh nhau trong tiêu chí thống kê. Cụ thể, các cơ quan tố tụng thì thống kê theo đầu vụ việc, đầu bản án; còn hệ thống cơ quan THADS là thống kê theo quyết định THA. Trong thời gian tới, các cơ quan THADS cần thống kê theo đầu bản án, từ đó mới có thêm chỉ số thành phần có bao nhiêu quyết định THA, đối chiếu được bản án thụ lý.

Luật chưa quy định về “án không có điều kiện thi hành”

Công tác thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, bất cập (ảnh minh họa)

Đồng tình với ý kiến này, đại diện TANDTC cũng có rằng, hiện nay đang có tình trạng không thống nhất về số liệu giữa các cơ quan.Vì vậy cần có sự thống nhất để có được số liệu khoa học, chính xác, từ đó mới đưa ra các giải pháp phù hợp.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đề nghị, cần lượng hóa đối với loại án không có điều kiện thi hành, như thời hạn kéo dài là bao nhiêu năm thì là khó, không thi hành được.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, Luật THADS chưa có quy định về việc “loại án không có điều kiện thi hành”. Trên thực tế, các việc đang được phân loại “chưa có điều kiện THA” hiện nay chính là các vụ việc “không có điều kiện THA” hoặc trong số án chưa có điều kiện thi hành thì có cả án không có điều kiện thi hành. Vì vậy, nếu việc xây dựng Đề án theo hướng chỉ điều chỉnh các đối tượng không có điều kiện THA và đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước sẽ vướng mắc về căn cứ pháp lý cũng như các giải pháp để tổ chức thực hiện. Hơn nữa, thực tiễn THADS cho thấy các vụ việc thu, nộp ngân sách nhà nước chưa có điều kiện THA chỉ là một phần trong số các loại việc THADS chưa có điều kiện thi hành nói chung và việc THA chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm nói riêng.

Để giải quyết tất cả những vướng mắc nêu trên cần sửa đổi, bổ sung Luật THADS. Theo dự kiến, đến năm 2020 Luật THADS mới được đưa vào chương trình sửa đổi luật của Quốc hội, nếu chờ đợi thì án tiếp tục tồn đọng, sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Xuất phát từ thực tế này nên khi trình Đề án, Bộ Tư pháp đã đề xuất đổi tên và xây dựng Đề án thành “Đề án giải quyết việc THADS chưa có điều kiện THA, đã tồn đọng nhiều năm” để giải quyết một cách tổng thể những việc THADS chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm nói chung, trong đó có bao gồm cả các khoản thu nộp cho ngân sách chưa có điều kiện thi hành (thực chất là không có điều kiện hoặc không đáp ứng được điều kiện miễn, giảm).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn, Bộ Tư pháp cho hay: Bộ đã có văn bản yêu cầu các cơ quan THADS địa phương rà soát, báo cáo về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định miễn, giảm nghĩa vụ THADS theo hướng phân biệt rõ từng loại việc THA (án phí, tiền phạt, khoản thu khác cho ngân sách nhà nước), từng loại đối tượng (người phải THA là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù; người phải THA không xác định được địa chỉ, nơi cư trú; người phải THA là người nước ngoài đã về nước không xác định được địa chỉ, nơi cư trú; người phải thi hành án là người già, neo đơn không nơi nương tựa, người ốm đau tàn tật, sống phụ thuộc vào người khác, người thuộc đối tượng chính sách…)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, vẫn còn có những điểm cần phải giải trình thêm nhằm đưa đến một giải pháp tổng thể để thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu các ý kiến trong cuộc họp để bổ sung, hoàn thiện đề án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật chưa quy định về “án không có điều kiện thi hành”