Hội nghị tập huấn về Luật Phá sản Việt Nam dành cho các Thẩm phán

Mai Đỉnh| 22/05/2018 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 22/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa TANDTC và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG), tổ chức khóa tập huấn dành cho các Thẩm phán về chủ đề Luật phá sản Việt Nam.

Hội nghị tập huấn tại Hà Nội lần này là một trong chuỗi 3 hội nghị tập huấn được tổ chức tại 3 miền của đất nước trên cơ sở phối hợp với Nhóm Ngân hàng thế giới, Hiệp hội Quản tài viên quốc tế và sự hỗ trợ của Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO).

Đến dự có bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC; ông Neil Cooper, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Quản tài viên quốc tế; ông Sijmen de Ranitz, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Quản tài viên quốc tế; bà Nina Mocheva, Chuyên gia cao cấp của WBG; các Thẩm phán Anna Elisabeth và Mincke Melissen đến từ Tòa án Hà Lan; Giáo sư Heinz Vallender, Giám đốc Khoa luật Phá sản quốc tế và châu Âu, Trường Đại học Cologne; Ông Phan Gia Quí, nguyên Chánh tòa Tòa kinh tế, TAND TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị tập huấn về Luật Phá sản Việt Nam dành cho các Thẩm phán

 Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết: Trong thời gian vừa qua, pháp luật về phá sản của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Cùng với Luật Phá sản năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/8/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản.

Hội nghị tập huấn về Luật Phá sản Việt Nam dành cho các Thẩm phán

Phó Chánh án TANDTC cùng với các diễn giả và chuyên gia quốc tế tham dự hội nghị

Theo đánh giá, Luật Phá sản năm 2014 đã quy định khá chi tiết và có những bước tiến bộ đáng kể về thủ tục phá sản. Điều này đã được Ngân hàng thế giới ghi nhận trong các báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu trong những năm gần đây, góp phần giúp Việt Nam tăng hạng trong đánh giá về năng lực cạnh tranh.

Có được những tiến bộ trên, TANDTC ghi nhận sự hỗ trợ kỹ thuật tích cực của Ngân hàng thế giới trong quá trình xây dựng Luật Phá sản và hiện nay vẫn tiếp tục đồng hành với TANDTC trong cho công tác thực thi luật này.

Hội nghị tập huấn về Luật Phá sản Việt Nam dành cho các Thẩm phán

Ngài Neil Cooper, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Quản tài viên quốc tế phát biểu tại hội nghị

Số liệu thống kê tại TANDTC cho thấy, mặc dù số yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có xu hướng giảm (từ 207 yêu cầu thụ lý vào năm 2016, còn 135 yêu cầu trong trong năm 2017), nhưng số vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản được Toà án giải quyết trong năm 2017 lại nhiều hơn năm 2016 (119 vụ so với 88 vụ của năm 2016), tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, đòi hỏi Tòa án cần nhiều thời gian nghiên cứu để xem xét, giải quyết.

Trong bối cảnh đó, việc áp dụng đúng và thống nhất các quy định trong pháp luật Việt Nam và vận dụng các kinh nghiệm pháp lý tốt của quốc tế vào việc giải quyết tốt các yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Việt Nam là việc làm cần thiết để tăng cường năng lực cho hệ thống tư pháp.

Điều này còn giúp làm lành mạnh hóa nền kinh tế thông qua việc loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém và phục hồi những doanh nghiệp tiềm năng bằng các cơ chế khác nhau trong khi tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Hội nghị tập huấn về Luật Phá sản Việt Nam dành cho các Thẩm phán

Toàn cảnh Hội nghị

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền mong muốn, Ngân hàng thế giới cũng đồng quan điểm và hỗ trợ TANDTC trong việc đào tạo cho các Thẩm phán. Đặc biệt, qua 03 ngày tập huấn, các đại biểu tham dự sẽ nắm được các thông tin, kinh nghiệm của nước ngoài trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.

Đồng thời, các chuyên gia quốc tế - những người dày dặn kinh nghiệm, có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực này cũng chia sẻ những nhìn nhận của mình về các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và chỉ ra những điểm không phù hợp trong quy định của pháp luật làm cản trở việc thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề phục hồi doanh nghiệp, vai trò của Thẩm phán và Quản tài viên trong quá trình phá sản để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền trân trọng cảm ơn Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Quản tài viên quốc tế đã hỗ trợ TANDTC trong thời gian vừa qua, đặc biệt là việc tổ chức thành công Diễn đàn cải cách phá sản tại châu Á lần thứ 10 (FAIR 10) đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các diễn giả và chuyên gia quốc tế.

Phó Chánh án TANDTC hi vọng rằng, TANDTC Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác có hiệu quả của IFC và Hiệp hội Quản tài viên quốc tế trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của hệ thống TAND Việt Nam.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị tập huấn về Luật Phá sản Việt Nam dành cho các Thẩm phán