Học tập kinh nghiệm của Tòa án Hàn Quốc về ứng dụng công nghệ thông tin

Trần Quang Huy| 03/05/2017 20:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của TAND các cấp ở Việt Nam còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không đáp ứng được yêu cầu.

Là quốc gia đứng đầu về tố tụng điện tử, TATC Hàn Quốc sẽ nghiên cứu, xem xét giúp hệ thống TAND Việt Nam xây dựng phần mềm quản lý án nhằm xử lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính tư pháp và cải cách tư pháp của Tòa án Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Công nghệ thông tin của TAND chưa đáp ứng được yêu cầu

Cơ sở hạ tầng Trung tâm dữ liệu TANDTC Việt Nam có 19 hệ thống máy chủ vật lý; có 3 tủ đĩa lưu trữ với tổng dung lượng 20 TB; có 7 thiết bị chuyển mạch, 2 đường truyền, 3 thiết bị tường lửa tạo thành các lớp bảo vệ cho Trung tâm dữ liệu và hệ thống thư điện tử; có hệ thống nguồn điện và báo, chữa cháy bằng khí FM 200... Ở TAND cấp tỉnh có hệ thống mạng LAN kết nối các máy tính của đơn vị để truy cập internet, họp trực tuyến, cập nhật dữ liệu, quản lý nội bộ của Tòa án trong đó có phần mềm quản lý án. Ở TAND cấp huyện, các máy tính được kết nối mạng LAN ngang hàng để chia sẻ tài nguyên, dữ liệu và truy cập internet, họp trực tuyến và cập nhật dữ liệu quản lý nội bộ, quản lý án…

Giai đoạn năm 2005- 2012, Dự án Danida của Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ TANDTC Việt Nam xây dựng 2 phần mềm quản lý án hình sự và quản lý án dân sự. Tuy nhỉên, việc triển khai áp dụng 2 phần mềm này không đạt kết quả đề ra do khi xây dựng yêu cầu kỹ thuật của phần mềm Dự án tính toán về công năng của máy chủ, thiết bị mạng, băng thông đường truyền và việc lựa chọn công nghệ, nền tảng phát triển phần mềm chưa phù hợp với tình hình sử dụng của Tòa án Việt Nam nên dẫn đến tình trạng phần mềm thường xuyên bị treo, hoạt động không ổn định. Mặt khác, phần mềm này không triển khai được đến TAND cấp huyện nên không đáp ứng yêu cầu quản lý của các đơn vị; chưa quản lý hết được các loại án khác mà Tòa án đang giải quyết như: án hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và phá sản. Đến năm 2012, để kịp thời đáp ứng các yêu cầu quản lý công tác quản lý xét xử, TANDTC đã nâng cấp 2 phần mềm của Dự án Danida thành một hệ thống phần mềm quản lý án thống nhất (đối với án hình sự; dân sự; hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại; lao động; hành chính) dùng chung cho TAND các cấp.

Học tập kinh nghiệm của Tòa án Hàn Quốc về ứng dụng công nghệ thông tin

Hội thảo giữa TANDTC Việt Nam và TATC Hàn Quốc về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý án

Giai đoạn 2012-2014, TANDTC hoàn thành nâng cấp phần mềm và chính thức đưa vào áp dụng thống nhất trong hệ thống TAND. Tuy nhiên, việc áp dụng phần mềm chỉ được một thời gian ngắn thì bị gián đoạn không triển khai tiếp được do thay đổi mô hình tổ chức theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 và sự thay đổi cơ bản của BLTTDS, BLTTHS, Luật TTHC, BLHS, BLDS nên các chức năng của phần mềm không còn phù hợp. Các tiêu chí báo cáo thống kê của Tòa án trên phần mềm cũng bị thay đổi hoàn toàn để phù hợp với quy định của pháp luật mới. Ngoài ra, do mô hình hành chính tư pháp của TAND các cấp áp dụng không thống nhất; năng lực cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Trung tâm dữ liệu TAND không đáp ứng được cho nhiều Tòa án truy cập vào phần mềm tại cùng một thời điểm để cập nhật, khai thác dữ liệu; giao diện nhập dữ liệu và các trường dữ liệu trên phần mềm thiết kế chưa tối ưu làm cho người sử dụng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lãnh đạo các Tòa án địa phương chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án nên việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thiếu quyết liệt, không sát sao, chưa đáp ứng được nhu cầu cải cách tư pháp.

Hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án

Trong buổi hội thảo giữa TANDTC Việt Nam và TATC Hàn Quốc về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý án, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, hiện nay Tòa án Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về tố tụng điện tử; Singapore là quốc gia đứng thứ hai; Mỹ đứng thứ 20 và Nhật Bản đứng thứ 48… Theo đó, Tòa án Hàn Quốc đã sử dụng hệ thống phần mềm thông tin tư pháp để hỗ trợ điện tử trong công tác xét xử, tố tụng điện tử; hỗ trợ công việc đăng ký, giao dịch bất động sản; quản lý thông tin quan hệ gia đình, khai sinh điện tử trực tuyến; phối hợp với các cơ quan chính quyền, trung tâm dịch vụ cộng đồng để phục vụ công việc của Tòa án… Hiệu quả của tố tụng điện tử tại Tòa án Hàn Quốc đã tiết kiệm thời gian, chi phí; soạn thảo văn bản một cách dễ dàng; giảm thiểu không gian và khối lượng công việc; chia sẻ trực tiếp thông tin tố tụng, trao đổi dễ dàng với hội đồng xét xử; thủ tục xét xử thân thiện với môi trường; xét xử công bằng minh bạch, tìm ra sự thật khách quan, nâng cao uy tín tư pháp… Đặc biệt, Tòa án Hàn Quốc đã ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai phòng xử án điện tử và xét xử trực tuyến. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét xử đã đem lại hiệu quả rất lớn đó là tạo điều kiện thuận lợi cho nhân chứng ở xa không phải đến Tòa án nhưng vẫn có thể tranh tụng một cách dễ dàng như có mặt tại phiên tòa; trung thực hóa xác minh chứng cứ, phản ánh trung thực lời làm chứng; tiết kiệm chi phí trong hoạt động tố tụng…

Tại buổi hội thảo, TANDTC Việt Nam đã đề xuất Dự án KOICA (Hàn Quốc) xem xét hỗ trợ TANDTC Việt Nam xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện về thực trạng năng lực cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin của TAND Việt Nam; kiến trúc lại hệ thống công nghệ thông tin của TAND Việt Nam; xây dựng mô hình Tòa án điện tử tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp, phương án triển khai xây dựng mô hình hành chính tư pháp và quá trình vận hành. TANDTC Việt Nam mong muốn các chuyên gia công nghệ thông tin TATC Hàn Quốc giúp Việt Nam nâng cấp hiện đại cơ sở hạ tầng, Trung tâm dữ liệu của TAND để đảm bảo năng lực triển khai các phần mềm nội bộ dùng chung cho Tòa án; nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý án để phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng mới; tích hợp các phần mềm nội bộ hiện có của Tòa án   thành một hệ thống phần mềm thống nhất và triển khai thí điểm mô hình Tòa án điện tử tại một số TAND. Mặt khác, TATC Hàn Quốc giúp đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin (quản trị mạng, quản trị hệ cơ sở dữ liệu, bảo mật, lập trình nâng cao) cho các kỹ sư của Trung tâm tin học Vụ Tổng hợp TANDTC và các TAND cấp tỉnh; đào tạo nâng cao trình độ tin học văn phòng và hướng dẫn sử dụng các phần mềm nội bộ của Tòa án cho các cán bộ, công chức TAND Việt Nam.

Để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án, TATC Hàn Quốc sẽ nghiên cứu, xem xét giúp hệ thống TAND Việt Nam xây dựng phần mềm quản lý án nhằm xử lý công việc một cách nhanh chóng và nâng cao năng suất công việc, nâng cao hiệu quả quản lý và tiêu chuẩn giao diện người dùng. TATC Hàn Quốc cũng tiến hành đào tạo để người dùng có thể sử dụng phần mềm để xử lý các loại vụ việc một cách thuận lợi, dễ dàng, vận hành ổn định và cập nhật kịp thời trước sự phát triển của công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính tư pháp và cải cách tư pháp của Tòa án Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học tập kinh nghiệm của Tòa án Hàn Quốc về ứng dụng công nghệ thông tin