Hoàn thiện mô hình tố tụng hành chính Việt Nam: Cần thể chế hóa tinh thần Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án

Quốc Huy| 20/03/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Tố tụng hành chính đang trong quá trình sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay.

Việc triển khai nghiên cứu, xây dựng “Đề án Mô hình tố tụng hành chính Việt Nam” là hết sức cần thiết, nhằm thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình tố tụng hành chính hiện nay ở nước ta.

Đảm bảo việc giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án

Phiên họp thứ 19, Ban chỉ đạo CCTP Trung ương vừa qua cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) - dự án Luật trong Đề án mô hình tố tụng hành chính Việt Nam (Đề án).

Về tố tụng, mô hình tố tụng hành chính ở nước ta được xây dựng theo truyền thống mô hình tố tụng thẩm vấn, với đặc trưng là vai trò chủ động của Tòa án trong suốt quá trình tố tụng, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi ra bản án, quyết định giải quyết vụ án. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo về CCTP theo NQ số 49 của Bộ Chính trị, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, Đề án hướng đến mục tiêu bảo đảm việc giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân được tiến hành dân chủ, công bằng, công khai; bảo đảm điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ; bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của người dân về công lý.

Hoàn thiện mô hình tố tụng hành chính Việt Nam: Cần thể chế hóa tinh thần Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án

Một phiên tòa hành chính tại TP Hồ Chí Minh

Theo đó, sẽ điều chỉnh lại thẩm quyền xét xử của từng cấp Tòa án để phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án 4 cấp theo Luật Tổ chức TAND năm 2014. Theo mô hình Tòa án 4 cấp thì TANDTC không xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; TAND cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án thuộc phạm vi lãnh thổ đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc phạm vi lãnh thổ; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Toà án. Như vậy, thẩm quyền xét xử của từng cấp Tòa án trong tố tụng hành chính cũng phải được cân nhắc, điều chỉnh lại để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Mở rộng thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính

Vấn đề cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Đề án cũng đã thể hiện tương đối rõ. Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 thì “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, TAND với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cần được tiếp tục mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính.

Theo Đề án, kinh nghiệm của Nhật Bản và một số quốc gia trên thế giới cho thấy, việc quy định thẩm quyền theo loại việc trong tố tụng hành chính cần được tiếp tục thể hiện theo phương pháp loại trừ như hiện nay. Tuy nhiên, cần xác định những tiêu chí đặc trưng của một quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Cụ thể là: Tính quyền lực công; sự tác động trực tiếp và chính xác của quyết định hành chính, hành vi hành chính đối với người khởi kiện; quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện không thuộc phạm vi loại trừ. Theo hướng này, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính về nội hàm của “Quyết định hành chính” theo hướng: Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức Nhà nước khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cân nhắc, mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện đối với quyết định kỷ luật công chức, viên chức. Quy định thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết các vụ án hành chính có quyền xem xét, kết luận về tính hợp pháp của những văn bản hành chính có tính quy phạm do các cơ quan hành chính ban hành như: Chỉ thị, Thông báo, Quy định có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện.

Đối với các quyết định xử lý hành chính do Tòa án ban hành theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hành vi cản trở hoạt động của Tòa án, cần được thể hiện theo hướng không phải là đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính, mà nếu có khiếu nại phải được giải quyết theo thủ tục đặc thù. Bởi lẽ, một trong những lý do quan trọng mà Tòa án được giao thẩm quyền tài phán hành chính đó là trong Nhà nước pháp quyền, những quyết định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được xem xét, quyết định bởi Tòa án. Ở đây, các quyết định nêu trên đã được Tòa án xem xét, quyết định; do đó, việc cho phép khởi kiện một số quyết định xử lý hành chính do Tòa án ban hành để Tòa án xét xử, phán quyết về quyết định do chính Tòa án ban hành như hiện nay là không hợp lý và không khả thi. Dự án Luật TTHC (sửa đổi) cũng đã thể hiện theo tinh thần này.

Thảo luận về những nội dung trên trong dự án Luật TTHC (sửa đổi), các thành viên Ban chỉ đạo CCTP  tán thành với đề xuất tiếp tục mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về hành chính cho Tòa án nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đảm bảo tất cả các hành vi hành chính, quyết định hành chính do cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành, thực hiện hay không thực hiện nếu bị khiếu kiện thì đều bị xem xét trước Tòa án. Quy định như vậy sẽ góp phần giải quyết triệt để các vụ khiếu kiện, nhất là những vụ vượt cấp, kéo dài như trong thời gian qua. Một số đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể để đảm bảo việc thi hành các bản án hành chính - một trong những vấn đề rất khó thực thi hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện mô hình tố tụng hành chính Việt Nam: Cần thể chế hóa tinh thần Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án