Hoàn thiện chế định giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

Phương Nam| 16/10/2018 13:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giám định tư pháp được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu của “người yêu cầu giám định” theo quy định của pháp luật.

Kết quả giám định tư pháp là nguồn chứng cứ phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Người trưng cầu giám định

Hoạt động giám định tư pháp khác hoạt động giám định thông thường như giám định chất lượng hàng hóa, giám định chất lượng công trình xây dựng… do các hoạt động này phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước còn hoạt động giám định tư pháp là hoạt động giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Giám định tư pháp thì chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng mới có thẩm quyền trưng cầu giám định. Cơ quan tiến hành tố tụng gồm: cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng dân sự và cơ quan tiến hành tố tụng hành chính. Người tiến hành tố tụng gồm: người tiến hành tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng dân sự và người tiến hành tố tụng hành chính.

Theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 thì: Cơ quan tiến hành tố tụng là “Cơ quan có thẩm quyền  tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”, người tiến hành tố tụng là “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 BLTTHS năm 2015 và Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Các cơ quan của Hải quan; Các cơ quan của Kiểm lâm, Các cơ quan của Công an nhân dân; Các cơ quan trong quân đội nhân dân.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 BLTTHS năm 2015 thì Người tiến hành tố tụng hình sự gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

Hoàn thiện chế định giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

 Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 BLTTHS năm 2015 thì người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm: Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng; Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan; Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm lâm.  Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển. Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư. Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân. - Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân.

 Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án hành chính và vụ việc dân sự: Theo quy định tại Điều 36 Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 46 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: Cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, dân sự gồm: Tòa án, Viện kiểm sát; Người tiến hành tố tụng hành chính, dân sự gồm: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Người có thẩm quyền trưng cầu giám định

Theo các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong BLTTHS năm 2015, BLTTDS năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì không phải tất cả những người tiến hành tố tụng được dẫn trên đều có thẩm quyền trưng cầu giám định mà trong số đó chỉ có một số người tiến hành tố tụng sau đây mới có thẩm quyền trưng cầu giám định:

Người có thẩm quyền trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự: Theo quy định của BLTTHS năm 2015, thì những người tiến hành tố tụng sau đây có thẩm quyền trưng cầu giám định: Thủ trưởng cơ quan điều tra (điểm d khoản 2 Điều 36) hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự (khoản 3 Điều 36); Viện trưởng Viện kiểm sát (điểm đ khoản 2 Điều 41) hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng (khoản 3 Điều 41) và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa (điểm đ khoản 2 Điều 45).

Ngoài ra, theo quy định của khoản 2 Điều 39 BLTTHS năm 2015 thì khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, thì cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp.

Người có thẩm quyền trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính: Theo quy định của BLTTDS năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì Thẩm phán có thẩm quyền trưng cầu giám định theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết (Điều 102 BLTTDS năm 2015, Điều 89 Luật Tố tụng hành chính năm 2015).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện chế định giám định tư pháp trong tố tụng hình sự