Hiểu và đánh giá đúng hơn về vai trò của Thẩm phán hiện nay

Nguyễn Mai Bộ - ĐBQH khóa XIV, nguyên Phó Chánh án TAQS Trung ương| 21/02/2018 09:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với mỗi quốc gia, hệ thống tư pháp trong đó có Tòa án đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Hiểu và đánh giá đúng hơn về vai trò của Thẩm phán hiện nay

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán cao cấp

Cần sự chia sẻ với các Thẩm phán

Sứ mệnh của TAND được xác định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và người thực thi nhiệm vụ cốt lõi chính là các Thẩm phán. Tuy nhiên, cùng là công chức như các ngành nghề khác nhưng Thẩm phán hiện nay đang phải chịu rất nhiều áp lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình và xã hội luôn đòi hỏi ở họ cao hơn các ngành nghề khác.

Trong số đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta thì đội ngũ công chức Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán chịu sự giám sát nhiều nhất trên cả hai phương diện, đó là cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm. Trước mỗi phiên tòa, hay khi ban hành bản án, các Thẩm phán bị Kiểm sát viên, bị những người tham gia tố tụng giám sát. Đặc biệt, có 2 đối tượng là Kiểm sát viên và Luật sư với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ cho các đương sự, họ là những người có kiến thức pháp luật rất cao, cùng với đó là đội ngũ phóng viên báo chí được tham dự những phiên tòa công khai, họ cũng có thể giám sát. Còn theo cơ chế hậu kiểm là Kiểm sát viên không chỉ giám sát Thẩm phán trong quá trình xét xử và bản thân họ lại chịu sự giám sát của Viện Kiểm sát cùng cấp, Viện Kiểm sát cấp trên và Thẩm phán cũng chịu sự giám sát của Tòa án cấp trên. 

Điều quan trọng là việc giám sát này là vô thời hạn, vì đối với các vụ án hình sự theo Điều 278 và 295 của BLTTHS, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và kháng nghị tái thẩm, nhất là trong trường hợp giám đốc thẩm khi oan sai thì không bị hạn chế về mặt thời gian, kể cả trường hợp người bị kết tội oan đã chết vẫn phải kháng nghị.

Theo Điều 334 BLTTDS thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án dân sự, kinh tế, lao động; gọi chung là các vụ án dân sự là 5 năm. Tuy nhiên, Điều 355 của Bộ luật này lại không quy định thời gian người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi nào thì họ hết quyền kháng nghị. Bởi vì, chỉ quy định thời hạn kháng nghị là 1 năm kể từ khi những người đó biết được sự việc, khi nào họ biết được sự việc thì BLTTDS hiện nay quy định họ được toàn quyền. Chính vì vậy, các Thẩm phán luôn luôn phải rất cẩn trọng trong công việc của mình.

Không chỉ chịu sự giám sát chặt chẽ từ nhiều phía, Thẩm phán hiện nay đang chịu sự quá tải của công việc. Lượng án tăng lên hàng năm, nhưng biên chế từ năm 2012 đến nay không tăng mà tới đây còn phải tinh giản theo Nghị quyết 39 của Trung ương. Vừa qua, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã nêu một thực tế là theo quy định, mỗi Thẩm phán phải xét xử 5 vụ/tháng, nhưng nhiều quận ở TP Hồ Chí Minh, Thẩm phán đã phải xử đến 12 vụ/tháng, quận Ninh Kiều ở TP Cần Thơ mỗi Thẩm phán đã phải xét xử đến 18 vụ/tháng. Với số lượng công việc nhiều vậy, nguy cơ rủi ro về chất lượng rất cao, dù rằng các Thẩm phán đã cố gắng hết mình.

Năm 2017, toàn hệ thống Tòa án xét xử 60.048 vụ, với 100.077 bị cáo. Số lượng án lớn như vậy, nhưng chỉ có 0,45% vụ án bị hủy do lỗi chủ quan. Mà lỗi chủ quan ở đây được hệ thống Tòa án đánh giá là lỗi của cá nhân Thẩm phán, chỉ có 1,09% sai do lỗi chủ quan của Tòa án. Con số đó đã nói lên  sự nỗ lực rất lớn của các Thẩm phán. Trong khi đó, các chỉ tiêu thi đua áp dụng trong Tòa án khá chặt. Theo quy định, 1 Thẩm phán có án bị hủy, sửa; đặc biệt là hủy, còn bị sửa thì chỉ cần 0,7% đã không được xét thi đua; nếu quá 1,16% trên tổng vụ án đã xét xử thì Thẩm phán bị dừng không được tái bổ nhiệm. Đây cũng là điều mà đại đa số các Thẩm phán lo lắng.

Vấn đề xã hội cũng là điều đáng quan tâm và chia sẻ đối với các Thẩm phán. Đó là với những vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, Tòa án có xử như thế nào cũng không bao giờ làm hài lòng cả hai bên. Bên thắng thì ca ngợi, còn bên thua thì đương nhiên họ sẽ oán ghét, thậm chí họ còn cho rằng Tòa án có tiêu cực, họ có thể có những hành động nguy hiểm. Đã có những Thẩm phán phải chịu những hậu quả vô cùng ghê gớm từ những đương sự như vậy.

Trên thực tế, hàng chục năm qua có nhiều gương sáng tư pháp, Thẩm phán tâm huyết, liêm chính, cống hiến hết mình cho hệ thống Tòa án mà mọi người đều biết đến. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những nơi đã xảy ra tiêu cực và chính sự tiêu cực này đã làm lu mờ đi những thành tựu, những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán.

Nuôi dưỡng liêm chính

Liêm chính tư pháp hay sự liêm chính của Thẩm phán là một yêu cầu của xã hội, của người dân hiện nay. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề cập về vấn đề này: “Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ  nghĩa…”. Cùng với đó là vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND được nêu cao. Theo đó, tập trung vào mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc và hoạt động tư pháp, trong đó trọng tâm là hoạt động xét xử được bảo đảm với hiệu quả và hiệu lực cao.

Để có được nền tư pháp với nhiều tính ưu việt như thế, chúng ta cũng đã chú trọng xây dựng chế định TAND tại chương VIII Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới quan trọng được hiến định như: vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc và hoạt động của TAND; nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm, bảo đảm tranh tụng tại Tòa án và áp dụng thống nhất pháp luật... Việc xét xử công tâm trên tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ giúp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực lâu nay trong đời sống tư pháp: vi phạm quyền con người, xâm phạm lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức... dẫn đến xử oan, xử sai.

Trong xét xử, điểm mấu chốt quan trọng là phải bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình, trong đó luật sư và những người tham gia tố tụng có quyền trình bày hết ý kiến, tôn trọng hơn nữa vai trò của luật sư tại phiên tòa. Các phán quyết của Toà án phải phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa và dựa trên các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai, mới tránh được việc kết án oan người không có tội và xét xử sai đối với các tranh chấp.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của Thẩm phán cũng có mối liên hệ chặt chẽ với tính độc lập của họ. Một Thẩm phán yếu về chuyên môn và tư cách đạo đức thường không giữ được tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, Tòa án các cấp phải xây dựng, củng cố, duy trì được đội ngũ cán bộ trong sạch, có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có phẩm chất đạo đức và có sự công tâm của người làm nghề xét xử. Kết quả của một vụ án đã đưa ra xét xử đúng pháp luật hay oan, sai đều xuất phát từ phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước. Nếu những người làm công tác xét xử không vô tư, khách quan, công tâm; luôn bị chi phối bởi thành tích cá nhân, lợi ích vật chất hay bị áp lực bởi cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đó thì không thể đưa ra những phán quyết công minh để người dân “tâm phục, khẩu phục” và xã hội đồng tình.

Bộ máy Tòa án có trong sạch, vững mạnh, liêm chính hay không thì không phải tự thân từ bộ máy ấy tạo ra điều đó mà phụ thuộc vào ý thức và hoạt động nghề của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ trong toàn ngành. Nếu họ giữ vững tinh thần “chí công, vô tư”, thượng tôn pháp luật, đạo đức chuẩn mực, liêm khiết, đề cao nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì sẽ không còn các vụ án oan, sai. Để chống oan, giảm sai trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đức, có tài là mục tiêu trọng tâm và cũng là hướng đi đúng của hệ thống Tòa án. Như vậy, liêm chính tư pháp đó chính là đòi hỏi về một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dấn thân cho việc bảo vệ lẽ phải và công lý, đúng như Bác Hồ đã từng nói “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Một điểm nữa cần củng cố để nêu cao tinh thần “dưỡng liêm” cho các Thẩm phán là việc cần phải thay đổi chế độ đãi ngộ đối với họ. Hiện nay mức lương của Thẩm phán khá thấp so với nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày và tích lũy. Pháp luật hiện nay cũng chưa có các quy định cụ thể về quyền miễn trừ của Thẩm phán. Ở các nước trên thế giới vấn đề miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán được quy định ngay trong Hiến pháp. Sự thiếu vắng những quy định này có thể gây rủi ro cho các Thẩm phán trong hoạt động nghề nghiệp và vì vậy ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của họ…

Như vậy có thể thấy rằng, để có một Tòa án liêm chính, bảo vệ công lý, sự độc lập của Tòa án, Thẩm phán, đã được các thiết chế ghi nhận, song việc áp dụng trên thực tế là cả một quá trình. Những năm qua, với vai trò, nhiệm vụ của mình, Tòa án đã tiệm cận đến góc độ thực sự là cán cân công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền. Để Tòa án thực sự là nơi người dân đặt niềm tin vào công lý thì song song với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, cần phải quan tâm đến chế độ “dưỡng liêm” cho các Thẩm phán nói riêng và cán bộ công chức Tòa án nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu và đánh giá đúng hơn về vai trò của Thẩm phán hiện nay