Giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn tại Hoàn Kiếm (Hà Nội): Tòa cũng bị “làm khó”

PV| 08/11/2014 05:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn tại Tòa án liên quan đến công trình kiến trúc và bất động sản luôn bị kéo dài hoặc không thể giải quyết được.

Nguyên nhân của vấn đề không phải tại Tòa án mà là từ các cơ quan phối hợp liên quan như địa chính, thuế, cơ quan quản lý nhà… Vụ án ly hôn dưới đây là một ví dụ.

TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang thụ lý giải quyết vụ phân chia tài sản khi ly hôn giữa ông Trần Hoài Đức (SN 1958) và vợ là bà Hoàng Thị Thanh Vân. Do hai vợ chồng thuận tình ly hôn nên quan hệ hôn nhân không có gì phức tạp trong quá trình giải quyết, tuy nhiên, vấn đề tranh chấp tài sản đang là trở ngại chính cho việc chia tay của cặp vợ chồng này.

Nguyên do của vấn đề là căn nhà vợ chồng ông Đức đang ở cả chục năm qua, ông Đức cứ đinh ninh là nhà của vợ chồng ông tích cóp mua được. Nhưng khi ra Tòa, bà Vân chìa giấy tờ căn nhà vợ chồng đang ở mang tên bố mẹ bà Vân, lúc này ông Đức mới tá hỏa không tin vào những gì được gọi là chứng cứ về quyền tài sản do bà Vân cung cấp trước Tòa. Quá trình giải quyết vụ án đến nay cho thấy, TAND quận Hoàn Kiếm chưa nhận được sự hợp tác tích cực từ các cơ quan liên quan dẫn đến nhiều tháng nay, TAND quận Hoàn Kiếm vẫn chưa thể giải quyết xong.

Ông Đức cho biết, trong thời kỳ hôn nhân, ông và bà Hoàng Thị Thanh Vân cùng tạo lập tài sản chung do nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà tại số nhà 84 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) của ba hộ gia đình. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà và đã đến sinh sống ổn định ở đây, từ những năm 2000, hai vợ chồng ông Đức đã làm hồ sơ mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/CP. Năm 2006, vợ chồng ông Đức hợp nhất ba diện tích đã nhận chuyển nhượng và mua của ba hộ trên thành một diện tích và cải tạo, xây dựng lại theo Giấy phép xây dựng do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Toàn bộ việc nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà và làm hồ sơ mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61 đều do bà Hoàng Thị Thanh Vân đứng ra lo liệu. Điều này đã làm nảy sinh khúc mắc khi ông Đức, bà Vân đưa nhau ra Tòa để ly hôn, phân chia tài sản. Trước Tòa, bà Vân cho rằng có hai trong số ba phần diện tích căn hộ trên là của bố mẹ bà Vân (ông Hoàng Văn Nghĩa và bà Ngô Thị Hán) đứng tên nhận chuyển nhượng và đã tặng lại bà Vân. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, bà Vân không đưa ra được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai diện tích đất trên cũng như hồ sơ mua bán, cho tặng liên quan.

Để làm rõ và giải quyết tranh chấp, TAND quận Hoàn Kiếm đã có công văn gửi Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đề nghị cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ các diện tích có trong biển số nhà 84 Hàng Bông được mua bán nhà theo Nghị định số 61. Công ty này sau đó đã giao cho Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm kiểm tra và cung cấp hồ sơ cho TAND quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm đã trả lời chung chung rằng, hai phần diện tích trong biển số nhà 84 Hàng Bông được chuyển nhượng cho ông Hoàng Văn Nghĩa và bà Ngô Thị Hán (bố mẹ đẻ của bà Hoàng Thị Thanh Vân). Một phần diện tích đứng tên ông Trần Hoài Đức và một phần khác được bán cho người khác. Sự hợp tác thiếu tích cực trên của Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm đã khiến TAND quận Hoàn Kiếm không thể xác định quyền sử dụng của các phần diện tích trong biển số nhà 84 Hàng Bông để phân chia cho ông Đức, bà Vân.

Theo Luật sư Lâm Văn Quang (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), để được mua nhà theo Nghị định số 61, người dân phải hoàn tất rất nhiều thủ tục, giấy tờ liên quan. Trong số đó, người mua nhà bắt buộc phải là người thuê, đang sinh sống tại nhà thuộc sở hữu Nhà nước đã đề nghị mua và không có tranh chấp với ai. Về việc ông Hoàng Văn Nghĩa và bà Ngô Thị Hán có ở trong số nhà 84 Hàng Bông hay không, Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Giai đoạn từ tháng 1/1997 đến tháng 1/2013 và đến nay không có ai là Hoàng Văn Nghĩa và Ngô Thị Hán đăng ký thường trú tại 84 Hàng Bông, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm”.

Từ đây, ông Đức cho rằng, nếu ông Hoàng Văn Nghĩa và bà Ngô Thị Hán đã mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại số 84 Hàng Bông thì không hiểu ai đã xác nhận cho ông bà này đang ở ổn định và không có tranh chấp tại số nhà trên. Vì chưa có đầy đủ hồ sơ mua bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61 của ba phần diện tích trong biển số nhà 84 Hàng Bông nên TAND quận Hoàn Kiếm không thể xác định, phân chia cụ thể cho ông Đức, bà Vân. Do vậy, TAND quận Hoàn Kiếm tiếp tục có công văn đề nghị Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội cùng Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm cung cấp hồ sơ nhà trên để Tòa án có căn cứ giải quyết ly hôn và tranh chấp tài sản giữa ông Đức và bà Vân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn tại Hoàn Kiếm (Hà Nội): Tòa cũng bị “làm khó”