Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Cần bổ sung các quy định về điều kiện Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn

Mai Thoa| 08/10/2015 14:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vấn đề “địa chỉ bị đơn” vẫn đang là một vấn đề phức tạp mà cho đến nay, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa có các quy định cụ thể để giải quyết thỏa đáng.

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) cũng đã đề cập đến việc tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn xét xử.

Theo quy định của BLTTDS hiện hành thì đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ tên, địa chỉ người bị kiện. Theo đó, có rất nhiều trường hợp địa chỉ được ghi nhận trong Hợp đồng dân sự tại thời điểm ký kết hợp đồng khác hoặc không đúng với địa chỉ cư trú hiện tại của người bị kiện và việc không rõ địa chỉ của người bị kiện đã và đang gây trở ngại rất lớn cho Tòa án và người khởi kiện.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì: Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc không ghi đúng tên, địa chỉ của người bị kiện thì Tòa án yêu cầu người khởi kiện bổ sung đầy đủ, nếu không Tòa án sẽ trả lại đơn kiện và không thụ lý vụ án.

Các ý kiến cho rằng: Việc người khởi kiện tự mình thực hiện tìm địa chỉ người bị kiện là vô cùng gian nan và hầu như đa số trường hợp là không tìm được. Bởi nguyên nhân cơ bản là người bị kiện không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện và họ rất khó tìm được chứng cứ chứng minh là người bị kiện cố tình giấu địa chỉ.

Thực tế, đa số trường hợp khi người khởi kiện không tự mình tìm được địa chỉ của người bị kiện thì người khởi kiện yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó đối với người bị kiện theo quy định tại khoản 2, Điều 26 BLTTDS. Sau khi tiến hành thủ tục tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với người bị kiện mà vẫn không tìm được thì người bị kiện đề nghị Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt. Trong thực tiễn, vẫn có Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn sau khi người khởi kiện hoàn tất các thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với người khởi kiện (căn cứ vào Điều 9, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP TANDTC).

 Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, về bản chất trường hợp này vẫn thuộc trường hợp nguyên đơn/người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ bị đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 69 BLTTDS. Vì vậy, để hạn chế tình trạng người bị kiện không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện nhằm mục đích giấu địa chỉ, để người khởi kiện cũng như các trường hợp bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú trong thời gian dài làm cho người khởi kiện không thực hiện được quyền khởi kiện thì BLTTDS mới cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về khởi kiện khi không rõ địa chỉ bị đơn.

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Cần bổ sung các quy định về điều kiện Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn

Phiên tòa xét xử lưu động vụ án tranh chấp đất rừng ở Ba Chẽ, Quảng Ninh

Việc Tòa án tiến hành thụ lý và tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn sau khi người khởi kiện đã hoàn thành thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với người bị kiện là một giải pháp tốt, bảo vệ hài hòa lợi ích của người khởi kiện và người bị kiện. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho và lợi ích cho người khởi kiện, đồng thời tạo cơ hội cho người bị kiện biết được việc người khởi kiện đang tiến hành thủ tục khởi kiện mình thông qua thủ tục yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú mà tham gia vào quá trình khởi kiện để bảo vệ lợi ích cho mình. Thông thường, khi một bên tham gia ký kết hợp đồng dân sự khi thay đổi địa chỉ cư trú phải có nghĩa vụ thông báo địa chỉ mới cho bên còn lại. Do đó, việc người bị khởi kiện thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên còn lại cho thấy người này không có thiện chí hoặc muốn trốn tránh một nghĩa vụ nào đó với người khởi kiện.

Việc Tòa án tiến hành thụ lý vụ án và xét xử vắng mặt bị đơn sau khi người khởi kiện đã hoàn tất thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú đối với người bị kiện vẫn chưa được quy định trong BLTTDS cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan; trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú vẫn chưa được quy định cụ thể nên gây khó khăn cho đương sự… nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TANDTC, dự thảo BLTTDS cần sửa đổi theo hướng bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đi khỏi nơi cư trú/địa chỉ giao dịch mà không thông báo được coi là giấu địa chỉ, thì Tòa án xử vắng mặt. Với trường hợp này, cần phải sửa luật tố tụng và quy định rằng nếu đương sự rời khỏi địa chỉ đã đăng ký giao dịch với đối tác mà không thông báo thì được coi là giấu địa chỉ. Khi đó, nguyên đơn chỉ cần ghi đúng địa chỉ đã giao dịch trước đây, Tòa án cũng chỉ cần thông báo, tống đạt tới địa chỉ đó được coi là tống đạt hợp lệ. Quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với Luật Trọng tài thương mại Việt Nam, giúp cho việc rút bớt một số thủ tục như nguyên đơn không phải đi tìm, Tòa án không phải chạy theo xác định xem bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan đang ở đâu… Như vậy sẽ kết thúc nhanh việc giải quyết tranh chấp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên và xã hội.

Cá biệt, trên thực tế vẫn xảy ra trường hợp mà người khởi kiện không thể tự mình thực hiện được và chưa có một hướng dẫn nào. Đó là trường hợp nguyên đơn biết rõ địa chỉ cư trú hoặc tạm trú của bị đơn. Nhưng khi nộp đơn, Tòa án yêu cầu chứng minh địa chỉ của bị đơn ( vì để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án) thì người khởi kiện không thế thực hiện được. Lý do, người bị kiện cố tình lẩn tránh, không hợp tác. Trong khi đó, đơn của người khởi kiện bị cơ quan quản lý hành chính, hộ khẩu… nơi bị đơn cư trú từ chối không xác nhận về cư trú của người bị kiện bởi không có quy định nào bắt buộc. Mặt khác, Tòa án chỉ được tiến hành các biện pháp tố tụng sau khi đã thụ lý vụ án. Đây cũng là bất cập đã xảy ra rất cần có quy định cụ thể trong BLTTDS hoặc hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người khởi kiện.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Cần bổ sung các quy định về điều kiện Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn