Điểm mới về tranh tụng trong tố tụng dân sự

Phan Thị Thu Hà| 08/12/2016 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc bổ sung nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và cụ thể hóa nguyên tắc này tại các quy định cụ thể của BLTTDS năm 2015 là sửa đổi quan trọng, ảnh hưởng xuyên suốt đến quá trình tố tụng, đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tố tụng.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thay thế nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự quy định tại Điều 23a Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 và xác định rõ: Nguyên tắc này được bảo đảm thực hiện từ khi khởi kiện thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết xong vụ án đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Điểm mới về tranh tụng trong tố tụng dân sự

Một phiên tòa dân sự

Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự”.

Quy định nêu trên cho thấy, mặc dù nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm nhưng Thẩm phán vẫn có trách nhiệm trong xem xét tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp đủ cơ sở để giải quyết vụ việc hay chưa để yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung. Đây là quy định đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, tuy nhiên, trên thực tiễn, để đánh giá thế nào là đủ cơ sở để giải quyết là vấn đề không đơn giản.

Do điều kiện đặc thù, để bảo vệ cho người yếu thế, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rõ có một số trường hợp nghĩa vụ chứng minh thuộc về người bị yêu cầu như: Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án. Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm mới về tranh tụng trong tố tụng dân sự