Có nên luật hóa “quyền im lặng” của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự?

Mai Thoa (thực hiện)| 04/12/2014 04:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương - chuyên gia trong lĩnh vực hình sự để làm sáng tỏ hơn vấn đề này.

PV: Thưa ông, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã trực tiếp hay gián tiếp quy định về “quyền im lặng” của bị can, bị cáo chưa?

PGS.TS Trần Văn Độ: Pháp luật Việt Nam chưa trực tiếp quy định quyền im lặng của người tạm giữ, bị can, bị cáo. Nhưng những yếu tố thuộc về nội dung “quyền im lặng” thì đã được thể hiện ở chỗ này, chỗ kia, đặc biệt trong BLTTHS. Ví dụ, quy định không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất, hay quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhờ người bào chữa và người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can, bị cáo.

Trong BLHS cũng không quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là tội phạm và cũng không quy định tội cố tình khai báo sai sự thật. Thực tế, có những quy định khuyến khích người phạm tội khai báo như tự thú, đầu thú hay tại phiên tòa, nếu bị cáo không trả lời câu hỏi thì HĐXX phải chuyển sang hỏi những người khác… Rõ ràng, những yếu tố này đã thể hiện phần nào “quyền im lặng”.

PV: Vậy theo ông, chúng ta có nên luật hóa “quyền im lặng” hay không?

PGS.TS Trần Văn Độ: Theo tôi, việc luật hóa “quyền im lặng” trong TTHS cần thể hiện với ba nội dung cơ bản như: Người bị buộc tội có quyền im lặng, không khai báo; người phạm tội có quyền có luật sư khi khai báo; cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) phải có trách nhiệm, nhiệm vụ giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai báo. Và cuối cùng, nếu vi phạm những quy định trên thì những lời khai nhận của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không được coi là chứng cứ.

Có nên luật hóa “quyền im lặng” của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự?

PGS.TS Trần Văn Độ

Tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước, tùy theo tổ chức hệ thống tư pháp, tùy theo hệ thống luật sư, hình thức pháp luật thì thể hiện những nội dung trên ở mức độ nào đó. Nhưng phải thể hiện không làm oan người vô tội, không ngăn cản được quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm cân bằng, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Bởi vì đấu tranh phòng chống tội phạm là vì lợi ích của cộng đồng.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu quy định “quyền im lặng” vào BLTTHS (sửa đổi) chỉ bảo vệ quyền lợi cho thiểu số, nhưng có thể ảnh hưởng đến lợi ích, an nguy của cả cộng đồng. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Trần Văn Độ: Không phải chúng ta chỉ bảo vệ cho một vài cá nhân. Một xã hội, một hệ thống tư pháp của một quốc gia, một Nhà nước pháp quyền, trong đó đặt vấn đề bảo vệ quyền con người lên rất cao như: Hiến pháp của chúng ta đã quy định thì làm thế nào để không xét xử oan người vô tội, đó là vấn đề xã hội, là lợi ích cộng đồng. Làm thế nào để hệ thống tư pháp này xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan thì đó là công lý, người dân luôn tìm đến công lý. Chúng ta đảm bảo không oan sai cho một cá nhân là bảo vệ công lý của một quốc gia.

PV: Vậy theo ông, “quyền im lặng” cần được quy định như thế nào trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi)?

PGS.TS Trần Văn Độ: Chúng ta quy định “quyền im lặng” là để bảo vệ người có khả năng bị oan. Tức là cơ quan tiến hành tố tụng không có chứng cứ nào cả, mà bằng cách truy xét để có lời nhận tội, những trường hợp này dễ bị oan. Không lấy lời nhận tội làm chứng cứ duy nhất, mà lời nhận tội chỉ là chứng cứ khi phù hợp với chứng cứ khác.

Khi tiến hành sửa đổi BLTTHS, chúng ta phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tố tụng, nhấn mạnh vào việc bị can, bị cáo có quyền không khai báo, quyền có luật sư hỗ trợ; quy định trách nhiệm bảo đảm để bị can, bị cáo thực hiện “quyền im lặng” và cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm giải thích cho bị can, bị cáo quyền đó. Chứng cứ được thu thập nếu vi phạm quyền đó thì không được coi là chứng cứ.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, với đội ngũ luật sư của chúng ta như hiện nay, nếu quy định “quyền im lặng” là khó khả thi. Ông có thấy như vậy không? 

PGS.TS Trần Văn Độ: Hiện nay có 20% vụ án hình sự có luật sư tham gia. Nếu triển khai tích cực thì có thêm khoảng 10% nữa. Nhưng không nên quy định mọi người đều có quyền có luật sư, mà những người bắt buộc có luật sư thì tạo điều kiện cho luật sư tham gia. Còn những người khác thì giải thích cho người ta quyền khi khai báo, nếu thành khẩn được giảm nhẹ, còn không khai báo thì có quyền im lặng. Chúng ta cần khuyến khích khai báo, nếu phạm tội thì được giảm nghẹ, còn có quyền không khai báo.

Chúng ta không thể đáp ứng quy định mọi người đều có quyền có luật sư vì rõ ràng, Việt Nam chưa thể đảm bảo đáp ứng được điều đó, dù có huy động cả hệ thống trợ giúp pháp lý. Cho nên, chúng ta có thể mở rộng ra những người buộc phải có luật sư như người bị truy cứu về tội đặc biệt nghiêm trọng để tránh để xảy ra hậu quả oan sai. Còn tất cả những người khác đều có quyền nhờ luật sư, trợ giúp pháp lý hoặc bất cứ ai như người thân, bạn bè để bảo đảm sự khách quan của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên luật hóa “quyền im lặng” của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự?