Có nên bỏ còng tay khi dẫn giải bị can, bị cáo đến Tòa?

LS. Nguyễn Quang Anh| 15/07/2019 08:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc bỏ vành móng ngựa, bỏ việc mặc áo kẻ sọc trong phiên tòa là bước tiến đáng kể trong quá trình cải cách tư pháp, vậy việc bỏ hay không bỏ còng số 8 khi dẫn giải bị can đến Tòa cũng như trong quá trình xét xử có cần được xem xét đến hay không?

Một trong những bước tiến quan trọng của cải cách tư pháp và đảm bảo quyền con người của bị can, bị cáo là bỏ vành móng ngựa và việc mặc áo tù nhân tại phiên tòa. Việc còng tay/xích chân bị can, bị cáo khi áp giải đến Tòa và tại phiên tòa có nên bỏ hay không hiện nay vẫn còn là một khoảng trống chưa có quy định cụ thể.

Từ những vụ án được đưa ra xét xử…

Năm 2018, vụ án xét xử Nguyễn Thanh Hóa- cựu Cục trưởng C50 Bộ Công an trong vụ án đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ, được đưa ra xét xử. Nguyễn Thanh Hóa không bị còng tay khi áp giải đến Tòa. Giải thích về việc này, Thẩm phán Vũ Văn Tuấn (Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ) cho rằng: “Việc không còng tay các bị cáo trong thời gian xét xử là vì họ chưa được chứng minh là có tội. Bên cạnh đó, với lực lượng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, tình huống bị cáo bỏ trốn hoặc gây mất trật tự ảnh hưởng tới an ninh phiên tòa sẽ không thể xảy ra”.

Tuy nhiên, sáng 17/6/2019 vừa qua, Nguyễn Thị Nga - nữ tài xế gây tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh (TP. Hồ Chí Minh) hầu Tòa. Bà Nga được áp giải đến phiên tòa trong trạng thái bị còng tay khiến dư luận băn khoăn.

Như vậy, có thể thấy rằng đã có sự áp dụng không thống nhất của các cơ quan tố tụng đối với các bị can, bị cáo. Về mặt lý luận, trước khi bị Tòa án kết tội bằng một bản án có hiệu lực, các bị cáo được coi là người chưa có tội. Do đó, họ phải được đối xử như một công dân có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, trong đó có quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm…Việc còng tay/xích chân bị cáo khi áp giải cũng như trong quá trình xét xử tại phiên tòa chẳng giống như một sự tra tấn cả về thể xác lẫn tâm lý, gây áp lực cho các bị cáo nhất là khi các bị cáo đứng trước những người tham dự phiên tòa (gia đình, bạn bè…) và HĐXX.

Thực tế tình hình tội phạm cũng như qua các vụ án xét xử tại Tòa cho thấy, đã xảy ra các trường hợp bị cáo manh động, liều lĩnh tự vẫn, bỏ chạy, rượt đánh HĐXX, luật sư, những người tham dự phiên tòa, gây náo loạn phiên tòa…Cho nên, đối với những trường hợp này người có thẩm quyền buộc phải có những biện pháp ngăn chặn để hạn chế những hậu quả xảy ra trong những tình huống bất ngờ. Bởi vậy, không nên hiểu còng tay/xích chân bị cáo là hình phạt mà chỉ là biện pháp ngăn chặn không cho bị cáo bỏ trốn và để giữ gìn an ninh, trật tự xét xử tại Tòa án.

Có nên bỏ còng tay khi dẫn giải bị can, bị cáo đến Tòa?

Một bị cáo được mở còng tay khi Tòa bắt đầu phần thẩm vấn

Mặc dù Bộ luật TTHS 2015 không quy định còng tay/xích chân bị cáo là một trong những biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên về bản chất đây vẫn là biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói chung hay biện pháp còng tay/xích chân bị cáo nói riêng là các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc, hạn chế quyền tự do của con người, ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của con người cho nên trong quá trình áp dụng cũng phải vì con người hoặc/và các lợi ích khác lớn hơn.

Việc bỏ vành móng ngựa, bỏ việc mặc áo kẻ sọc trong phiên tòa là bước tiến đáng kể trong quá trình cải cách tư pháp, vậy việc bỏ hay không bỏ còng số 8 khi dẫn giải bị can đến Tòa cũng như trong quá trình xét xử có cần được xem xét đến hay không?

Nhìn từ thực tiễn cho thấy, việc bỏ quy định về áo tù và vành móng ngựa là hoàn toàn đúng đắn, bởi quy định đó không chỉ giải quyết vấn đề an ninh, trật tự trong quá trình dẫn giải cũng như tại phiên tòa, mà nó lại xâm phạm quyền con người. Nhưng việc không “bỏ còng số 8” lại là một vấn đề khác vì đây là biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình dẫn giải cũng như tại phiên tòa.

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung, còng tay, xích chân bị cáo nói riêng, tuy là để ngăn chặn việc bị cáo bỏ trốn cũng như giữ gìn an ninh trật tự tại phiên tòa, nhưng nó lại hạn chế quyền tự do của con người, ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của con người. Cho nên khi áp dụng phải có mục đích, phải có căn cứ, cần phải áp dụng mới được áp dụng, không được tùy tiện, tránh việc áp dụng tràn lan.

Theo quy định tại Điều 8 của Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 Bộ Công an, cụ thể: “Khóa tay bị cáo trước khi áp giải; xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của chủ tọa phiên tòa”.

Hiện nay, pháp luật quy định quyền cho phép tháo còng tay/xích chân của bị cáo tại phòng xử thuộc về chủ tọa phiên tòa. Trong trường hợp áp giải từ xe chở phạm nhân vào phòng xử, việc còng tay/xích chân bị cáo thuộc quyền quyết định của người chỉ huy cao nhất trong lực lượng cảnh sát dẫn giải. Nhưng tháo còng trong trường hợp nào, thời điểm nào thì luật pháp của chúng ta đang bỏ trống. Cũng bởi vì chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về các trường hợp được phép tháo còng tay/xích chân, nên người chỉ huy lực lượng dẫn giải và Thẩm phán là người có toàn quyền đối với việc có tháo còng tay/xích chân cho bị cáo. Khi khoảng quyết quá rộng và không có những quy định cụ thể để cá nhân có thẩm quyền theo đó mà thực hiện thì có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Vậy để tránh việc này tôi cho rằng cần quy định rõ thẩm quyền quyết định cũng như việc công bố lý do áp dụng hay không áp dụng việc còng tay/xích chân bị can/bị cáo; Quy định cụ thể những trường hợp buộc phải áp dụng biện pháp còng tay/xích chân và trường hợp được phép mở còng tay/xích chân cho bị cáo.

Để đưa ra những quy định có hay không việc sử dụng còng tay/xích chân đối với bị cáo trong từng tình huống, bên cạnh những căn cứ phân loại tội phạm: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì cần cân nhắc đến loại tội phạm (tội phạm kinh tế, chức vụ…khác với các tội buôn bán ma túy, giết người...), nhân thân của người phạm tội để đưa ra quy định cụ thể.

Việc đảm bảo an ninh phiên tòa cũng như quyền con người của bị can, bị cáo cũng là vấn đề cần quan tâm. Áp giải bị cáo, đảm bảo an ninh trật tự khi xét xử phiên tòa là trách nhiệm của lực lượng Công an; còn quyền được xác định họ chưa có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực pháp luật công nhận có tội là quyền của bị cáo. Do đó, lực lượng Công an phải có thêm các biện pháp khác như tăng cường thêm lực lượng, trang bị thêm các công cụ hỗ trợ để kịp thời trấn áp nếu xảy ra vấn bị cáo bỏ trốn hay gây mất an ninh, trật tự, chứ không thể vì mục đích hoàn thành trách nhiệm của mình mà xâm phạm quyền lợi của người khác.

Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, khi bắt giam nghi phạm hay khi đưa bị cáo ra xét xử, cảnh sát sẽ dùng khăn để che còng tay, và đeo khẩu trang cho bị cáo. Việc làm này vừa giữ kín danh tính, vừa giảm áp lực tâm lý lên bị cáo cũng như người thân của họ; một vài nước sử dụng “vòng tay điện tử”, “ghế bị cáo” để quản lý và giám sát bị cáo trong quá trình áp giải, xét xử nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền con người của họ.

Đây cũng là kinh nghiệm quý để chúng ta có thể tham khảo, nhưng trước mắt cần thực hiện tốt Thông tư số 13/2016/TT-BCA của Bộ Công an bằng cách tăng cường hơn nữa lực lượng cảnh sát tư pháp tại các phiên tòa, thay vì còng tay/xích chân các bị cáo như hiện nay. Trong tương lai chúng ta nên hướng đến bỏ hẳn còng tay/xích chân bị cáo trong quá trình áp giải lẫn tại phiên tòa để sử dụng những biện pháp văn minh, đảm bảo quyền con người hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên bỏ còng tay khi dẫn giải bị can, bị cáo đến Tòa?