Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị): Thẩm phán và Thư ký phải rèn luyện kỹ năng hoà giải

Trung Thành| 29/05/2016 13:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm gần đây, số lượng án về các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, nhất là loại án tranh chấp quyền sử dụng đất, đòi lại tài sản mà Tòa án các cấp phải thụ lý có chiều hướng gia tăng.

Trong đó có nhiều vụ kéo dài và phức tạp. Điều đó đòi hỏi Tòa án phải có cách giải quyết phù hợp với chính sách pháp luật, đánh giá một cách thấu đáo, cố gắng đưa ra những lý lẽ thấy tình đạt lý cho công dân hiểu để họ tự nguyện thỏa thuận hoặc rút đơn khỏi kiện mà Tòa không cần phải đưa vụ án ra xét xử.

Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) Trịnh Thị Trung chia sẻ: Muốn giải quyết tốt loại án này đòi hỏi mỗi Thẩm phán và cả Thư ký phải rèn luyện kỹ năng hoà giải, đặc biệt là hoà giải cơ sở. Để nâng cao chất lượng hoà giải, lãnh đạo đơn vị phải xây dựng mối quan hệ rộng rãi với các cấp các ngành ở địa phương để cùng phối hợp với họ, nhất là chính quyền cơ sở để tạo điều kiện cho cán bộ Tòa án trong việc nắm bắt tình hình, tìm hiểu phân tích nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong từng vụ việc và trực tiếp hoà giải tại nơi cư trú của đương sự. Tạo được sự gần gũi hiểu biết chân thành, cởi mở không gò bó, nguyên tắc cứng nhắc giữa người dân với pháp luật để giúp họ có sự lựa chọn và quyết định đúng.

Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị): Thẩm phán và Thư ký phải rèn luyện kỹ năng hoà giải

Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh Trịnh Thị Trung (bên phải)

Cũng theo bà Trung thì để đạt kết quả như mong muốn, trước khi hòa giải cần làm tốt ngay từ những bước đầu tiên như chọn người chủ trì công tác hòa giải. Để làm được điều đó, cần căn cứ vào đối tượng khởi kiện, tính chất vụ án để lựa chọn thẩm phán có trách nhiệm có năng lực, uy tín có tác phong cẩn trọng khách quan để chủ trì phiên hòa giải. Bởi, trình độ hiểu biết về tâm lý xã hội, kinh nghiệm của thẩm phán có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quyết định kết quả hòa giải.

“Đối với các vụ án phức tạp về hôn nhân gia đình khi chọn Thẩm phán không chỉ cần kiến thức giỏi chuyên môn mà cần chọn Thẩm phán có kiến thức xã hội sâu rộng, kinh nghiệm sống gia đình để giải quyết. Ngược lại nếu giao cho Thẩm phán trẻ  chưa có kinh nghiệm giải quyết thì hiệu quả mang lại sẻ không cao. Khi hòa giải Thẩm phán phải xác định mục đích của việc giải quyết án ly hôn không phải là cho ly hôn mà phải làm thế nào tránh sự đổ vỡ của một gia đình, tránh cho xã hội và các thành viên khác trong gia đình họ phải đón nhận hậu quả xấu”, bà Trung chia sẻ.

Một điều quan trọng nữa là trước mỗi buổi hòa giải, cán bộ Tòa án cần phải chuẩn bị nội dung hòa giải cũng như tìm hiểu nguyên nhân mục đích sâu xa của việc tranh chấp. Trên cơ sở thu thập thật đầy đủ các tài liệu chứng cứ do các bên cung cấp, Thẩm phán sẽ nắm rõ được vấn đề cần giải quyết để có định hướng trước khi tổ chức hòa giải. Cùng với đó, Thẩm phán cũng phải chuẩn bị chu đáo các văn bản tài liệu liên quan đến việc giải quyết để đồng thời tư vấn giải thích pháp luật cho đương sự, Thẩm phán phải có thái độ khách quan vô tư để định hướng các bên bàn bạc thương lượng các vấn đề cần giải quyết.

Bên cạnh đó, việc phối kết hợp với chính quyền và tổ chức đoàn thể  cũng là một khâu hết sức quan trọng, là tiền đề quyết định sự thành công của phiên hòa giải. Bởi, khi tiến hành hòa giải một vấn đề tranh chấp tại cơ sở, nếu Thẩm phán tranh thủ được sự hỗ trợ, đồng tình của chính quyền và các cơ quan đoàn thể thì cơ hội thành công sẽ rất cao.

Đồng thời, khi tiến hành hòa giải, cán bộ Tòa án cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng bước và phải hướng cho đương sự vấn đề trọng tâm cần thương lượng, sau đó dứt điểm từng phần. Trong suốt buổi hòa giải cần phải có thái độ trân trọng, ghi nhận từng ý kiến của các bên đưa ra, kết hợp giải thích pháp luật, động viên gợi mở để các bên tiếp tục bàn bạc thương lượng để đi đến sự tự nguyện thỏa thuận về những vấn đề cơ bản của sự tranh chấp và các điểm cụ thể mà các bên bất đồng ý kiến.

“Chọn thời gian hòa giải cũng có ý nghĩa quan trọng nhưng phải chủ động đề ra để các bên sắp xếp, tránh để kéo dài gây phức tạp và không đảm bảo thời hạn. Áp dụng phương châm “kiên trì, không nóng vội, không kéo dài”, mỗi lần hòa giải dù đạt được hay không đều phải lập biên bản ghi nhận phản ánh trung thực ý kiến tham gia của các bên, từ đó nghiên cứu tìm ra điểm mấu chốt bất đồng để chọn mục tiêu cho buổi hòa giải tiếp theo. Việc tổ chức hòa giải ở cơ sở phải tùy thuộc vào điều kiện liên quan đến tính chất công việc của đương sự nên thời gian tổ chức hòa giải nhiều lúc phải linh động, không nhất thiết phải trong giờ hành chính”, Chánh án Trịnh Thị Trung chia sẻ.

Ngoài các phần việc trên, Thẩm phán Trung cũng cho rằng, việc chọn địa điểm hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tùy theo tính chất từng vụ, tổ chức hòa giải tại nơi cư trú để phối hợp với chính quyền đoàn thể thuận lợi hơn, tạo sự đồng thuận trong quần chúng cao hơn. Tranh thủ được người có uy tín trong cộng đồng như già làng trưởng bản, trưởng dòng họ… cùng tham gia. Như vậy, vừa tạo điều kiện cho các bên đương sự để tâm lý thoải mái hơn khi tổ chức tại Tòa án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị): Thẩm phán và Thư ký phải rèn luyện kỹ năng hoà giải