Cần hoàn thiện cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính

PV| 29/12/2018 14:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Tố tụng hành chính 2015 có một số quy định mới, khắc phục những hạn chế gặp phải trong xét xử án hành chính thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số bất cập cần tháo gỡ.

Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này. Đây là quy định hoàn toàn mới nhằm khắc phục những bất cập trong xét xử án hành chính.

Vì trên thực tế thời gian qua cho thấy hầu hết người bị kiện là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính Nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới như cán bộ thanh tra, văn phòng... Những người được ủy quyền lại không có quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến các quyết định hành chính bị kiện khiến việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa không hiệu quả; việc giải quyết vụ án kéo dài, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Thi hành luật mới, nếu Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh không tham gia phiên tòa thì chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình và cấp phó không được ủy quyền lại cho người khác. Song, người bị kiện (ủy quyền cho cấp phó) lại vắng mặt trong quá trình giải quyết sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện quyền khiếu kiện, không bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.

Cần hoàn thiện cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính

Trên thực tế, kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, số vụ án hành chính sơ thẩm và vụ án dân sự có liên quan đến quyết định hành chính cá biệt của UBND thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tăng lên rất nhiều so với trước đây. Việc không đưa ra giải quyết, xét xử được án hành chính, dân sự có nguyên nhân chủ yếu rất lớn từ phía UBND các cấp, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, nhưng không kịp thời giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu, chứng cứ; hoặc có giao nộp nhưng không đầy đủ, trong đó cá biệt còn có UBND không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của tòa án.

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, thời gian giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu chứng cứ là 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo thụ lý án (Khoản 1 Điều 128) và người đại diện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Người được ủy quyền phải tham gia toàn bộ quá trình giải quyết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện (Khoản 3 Điều 60).

Tuy nhiên, đa số người được ủy quyền đều lấy lý do bận công tác không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, dẫn đến tòa án phải hoãn đi, hoãn lại mất nhiều thời gian. Thực trạng trên đã và đang gây bức xúc đối với tổ chức, công dân khi có vụ việc cần đến tòa giải quyết, ảnh hưởng xấu đến chỉ tiêu, chất lượng giải quyết án hành chính, án dân sự của tòa án; đồng thời tạo ra áp lực đối với thẩm phán, thư ký khi phải giải quyết án hành chính, án dân sự.

Tại buổi giám sát công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố cho biết, các cơ quan tiến hành tố tụng tại thành phố đang gặp một số khó khăn do quy định của Luật Tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, về xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, Khoản 1 Điều 3 của Luật năm 2015 có đưa ra khái niệm về quyết định hành chính bị khởi kiện, song thực tế việc xác định một số loại quyết định hành chính gặp khó khăn, điển hình như trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các quy định về việc tham gia phiên tòa của kiểm soát viên, việc xác định người bị kiện trong vụ án hành chính, hay về thời hạn chuẩn bị xét xử… cũng đang gây nhiều vướng mắc. 

Hơn nữa, quy định của pháp luật về thi hành án hành chính nằm tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, như Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự…, với nhiều nội dung chưa cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, việc ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định tại Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thực tế triển khai rất khó khăn do người được ủy quyền là cấp phó của người đứng đầu tổ chức cũng phải tham gia nhiều công tác quản lý nhà nước; ý thức chấp hành án và thực hiện pháp luật trong thi hành án hành chính của nhiều cơ quan, cá nhân còn hạn chế; trong khi thiếu thẩm phán, chấp hành viên, công chức làm công tác xét xử, thi hành án, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu…

Từ thực tế đó, UBND TP kiến nghị Quốc hội và UBTV Quốc hội nghiên cứu về cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính, để Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn là thành viên UBND tham gia giải quyết vụ án hành chính theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, trình UBTV Quốc hội thông qua. Đồng thời, cần sớm thông qua Luật Ban hành quyết định hành chính; cho phép trong trường hợp người bị kiện vắng mặt (Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND) có thể được trả lời, giải trình các nội dung theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng bằng văn bản. 

Đặc biệt, đề nghị Quốc hội rà soát tổng thể cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, sở hữu nhà, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng… qua các thời kỳ để đảm bảo việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật được thống nhất trong hệ thống pháp luật chuyên ngành và pháp luật về tố tụng. Tăng cường sự sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền với việc chấp hành pháp luật trong giải quyết, THA hành chính; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan TAND, Viện KSND, THA và UBND trong giải quyết, thi hành các bản án hành chính, đảm bảo các vụ án được giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, không kéo dài.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn thiện cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính