Cách áp dụng quy định về lãi suất, phạt vi phạm hợp đồng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

Nguyên Bình| 26/03/2019 09:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội đồng Thẩm phán TANDTC vừa ban hành NQ số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng vay tài sản; lãi suất trung bình trên thị trường; quyết định lãi, lãi suất trong bản án.

Theo Nghị quyết, Hợp đồng vay tài sản bao gồm hợp đồng cho vay tài sản là tiền giữa tổ chức tín dụng với khách hàng (Hợp đồng tín dụng) và hợp đồng vay tài sản là tiền giữa cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng với nhau (Hợp đồng vay tài sản).

Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.

Việc điều chỉnh lãi, lãi suất, trường hợp các bên có thỏa thuận thì lãi, lãi suất cho vay được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh. Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 3 ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Còn áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng; xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005, 2015; xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả; áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng; xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm; xử lý thỏa thuận về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định; điều chỉnh lãi, lãi suất; xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005; xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản; quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án.

Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 1/1/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực) thì việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất xác định như sau:

Cách áp dụng quy định về lãi suất, phạt vi phạm hợp đồng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

Ảnh minh họa

Hợp đồng được thực hiện xong trước ngày 1/1/2017 mà có tranh chấp thì áp dụng BLDS năm 2005, và nghị quyết thi hành Luật này để giải quyết; Hợp đồng chưa được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết. Trường hợp lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005, và nghị quyết hướng dẫn thi hành, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi, lãi suất phù hợp với BLDS năm 2015; Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật này, Nghị quyết số 45/2005/QH11 về việc thi hành Bộ luật vày và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì việc áp dụng pháp luật để xác định lãi, lãi suất như sau: Đối với khoảng thời gian trước ngày 1/1/2006 thì áp dụng quy định của BLDS năm 1995, Nghị quyết thi hành Luật này và các văn bản hướng dẫn.

Đối với khoảng thời gian từ ngày1/1/2006 đến trước ngày 1/1/2017 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2015 và văn bản hướng dẫn áp dụng…

Nghị quyết cũng nêu rõ: Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định, cụ thể:

Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của BLDS năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với những vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết. Còn đối với những vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trừ trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị kháng nghị theo căn cứ khác.

Nghị quyết có hiệu lực từ 15/3/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách áp dụng quy định về lãi suất, phạt vi phạm hợp đồng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm