Các địa phương đã sẵn sàng triển khai hòa giải, đối thoại

Mai Thoa| 17/10/2018 21:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù còn những bỡ ngỡ ban đầu và khó khăn nhưng Tòa án tại 16 tỉnh cũng đã chuẩn bị tinh thần và kế hoạch triển khai thí điểm đối thoại, hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính mà TANDTC vừa ban hành.

Tại Hội nghị triển khai thí điểm hòa giải đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đây, đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết và ghi nhận quyết tâm thực hiện của lãnh đạo Tòa án các địa phương.

Lựa chọn nhân sự hòa giải, đối thoại

Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án TP. Hải Phòng và 9 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố Hải Phòng từ tháng 3 đến hết tháng 8/2018. Việc thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành là 76,2%.

Nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả này, đồng thời thực hiện kết luận của Chủ tịch nước, Trưởng BCĐ CCTP Trung ương tại phiên họp thứ sáu ngày 15/9/2018, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 1/10/2018 về tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó: Tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm tại Hải Phòng và các tỉnh, TP. Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Các địa phương đã sẵn sàng triển khai hòa giải, đối thoại

Hội nghị triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đều thống nhất với các nội dung công việc triển khai thí điểm, theo đó, thời gian triển khai thí điểm: 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/11/2018 (riêng việc kéo dài và mở rộng thí điểm tại TP. Hải Phòng được thực hiện từ 01/12/2018). Lãnh đạo các Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm bày tỏ quan điểm đồng tình ủng hộ và hỗ trợ; các Tòa án được lựa chọn thí điểm đều thể hiện sự quyết tâm, sẵn sàng triển khai thực hiện thí điểm.

Lãnh đạo các Tòa án được lựa chọn thí điểm đều thể hiện sự quyết tâm, sẵn sàng triển khai thực hiện thí điểm thành công, góp phần củng cố cơ sở thực tiễn, hoàn thiện Đề án tổng thể về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Đại diện các Bộ, ngành cũng rất ủng hộ kế hoạch này của TANDTC và cho răng đây là giải pháp thích hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các ý kiến cũng cho rằng, cần lựa chọn những người có kiến thức pháp luật, tận tụy với công việc, nhất là những Thẩm phán đã nghỉ hưu, là người có kinh nghiệm chuyên môn tốt tham gia hòa giải là cách tốt nhất.

Từ thực tế đơn vị thực hiện thí điểm, đại diện TAND TP. Hải Phòng cho biết: Qua 6 tháng triển khai thực hiện, TAND TP. Hải Phòng đã giảm được 1.827 vụ tranh chấp không phải mở phiên tòa xét xử. So với cùng kỳ năm 2017 đã giảm được 598 vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phải giải quyết. Đáng chú ý, trong số đó có 376 vụ các đương sự tự thỏa thuận giải quyết nên đã giảm số vụ chuyển Cơ quan thi hành án dân sự 376 vụ, 1.451 vụ các đương sự đề nghị cơ Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và sẽ được Cơ quan THADS thi hành trên cơ sở sự tự nguyện của các đương sự…Cho đến nay, các Tòa án ở  TP. Hải Phòng không nhận được bất kỳ khiếu nại nào của công dân sau khi hòa giải, đối thoại thành.

Từ thực tế đơn vị mình, đại diện TAND Tp. Hải Phòng cũng nêu ra một số bài học kinh nghiệm để các Tòa án khác triển khai sau. Đó là, việc chỉ đạo phải cụ thể, sâu sát, kịp thời, phân công cho hòa giải viên cụ thể, phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của từng Hòa giải viên; Thẩm phán phải giúp Hòa giải viên về mặt pháp lý, hỗ trợ xây dựng phương án hòa giải. Bên cạnh đó cũng phân công các Thư ký hỗ trợ thêm. Đối với các tranh chấp đất đai, Hòa giải viên phải nghiên cứu kỹ đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo và đặc biệt là đến tận nơi có tranh chấp để xem xét tại chỗ, tìm hiểu nguyên nhân; tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương sở tại… Đặc biệt là thường xuyên tổ chức họp, rút kinh nghiệm với Hòa giải viên để tìm hướng xử lý.

Bám sát kế hoạch để thực hiện

Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết rất ủng hộ chủ trương thực hiện thí điểm này, tuy nhiên băn khoăn về cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện. Bởi lẽ, hiện tại TAND TP.  Hà Nội sắp chuyển địa điểm khác, việc bố trí phòng làm việc là vô cùng khó khăn nên đề nghị hỗ trợ các phương án thực hiện. Về tiêu chuẩn Hòa giải viên, Đối thoại viên, ông Chính đề nghị đề nghị nêu rõ về điều kiện để làm việc. Ví dụ Thẩm phán về hưu nhưng đang làm luật sư hoặc Hội thẩm nhân dân thì có đủ điều kiện hay không và Tòa án có ra quyết định công nhận hòa giải thành không, đề nghị hướng dẫn cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cho rằng đây là chủ trương tốt nhưng cũng lo ngại vì sẽ không ít khó khăn phát sinh. Đó là Tòa án hòa giải chủ yếu là ở cấp huyện. Còn ở cấp tỉnh, đối với  án hành chính thường thì Chủ tịch UBND không đến đối thoại, hòa giải; án dân sự chủ yếu là tranh chấp đất đai thường khó hỏa giải hoặc không hòa giải được. Người bị kiện chủ yếu là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, nên việc tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, hầu hết những người bị kiện không tham gia. Thực tế cho thấy cả người được ủy quyền cũng không tham gia, chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện tham gia phiên đối thoại. Vì thế, việc đối thoại trong vụ án hành chính thường bị kéo dài, làm cho mục đích, ý nghĩa của quy định về đối thoại không được thực hiện.

Bà Nga cho biết, tại Thanh Hóa hiện nay, Tòa án cấp huyện hòa giải và công nhận hòa giải thành đạt tỷ lệ khá cao: Án hôn nhân gia đình là 83%, dân sự là 65%. Lượng án dân sự, hành chính cấp huyện tăng nhanh trong những năm gần đây, vì vậy nếu thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại phải tăng cường Hòa giải viên, Đối thoại viên cho cấp huyện nhiều hơn cấp tỉnh mới phù hợp. Tuy nhiên, bà Nga cũng lo ngại về việc nếu lựa chọn Hòa giải viên, Đối thoại viên không phải là những Thẩm phán về hưu thì cán bộ Thẩm phán phải hướng dẫn họ, như vậy sẽ rất mất thời gian trong khi nhân lực đang thiếu trầm trọng…

Đại diện TAND TP. Cần Thơ cũng băn khoăn vấn đề này nhưng đề nghị cho phép triển khai những nơi đủ điều kiện, còn nơi nào không làm ngay được thì để sau. Từ trước tới giờ, chưa có yêu cầu công nhận hòa giải thành ngoài Tòa án, vậy cơ chế công nhận hòa giải thành đối với cơ chế này như thế nào hay vai trò của Viện kiểm sát chưa rõ, chẳng hạn như có tố cáo, khiếu nại thì thế nào… cần có hướng dẫn của TANDTC.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thuý Hiền cho hay, chúng ta đã có những giải pháp cơ bản để triển khai thí điểm rộng. TANDTC đã ban hành kế hoạch số 301/KH-TANDTC, nên đề nghị các Tòa án bám sát kế hoạch để thực hiện trên tinh thần linh hoạt, cái nào làm được thì làm trước, ví dụ tập hợp Thẩm phán nghỉ hưu tham gia hòa giải… Những gì làm được thì cần làm sớm và trong quá trình thực hiện, khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó. Còn về nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện, cơ sở vật chất... cần sự ủng hộ của các địa phương cũng như sự chủ động của TANDTC.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương đã sẵn sàng triển khai hòa giải, đối thoại