Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán: Cần mang tính hướng dẫn, khuyến nghị và đề cao tính ràng buộc nghề nghiệp

Quốc Huy| 15/03/2018 06:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại hội thảo góp ý dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán do TANDTC tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã đóng góp rất tâm huyết về vấn đề này.

Các ý kiến cho rằng, quy định về đạo đức và ứng xử của Thẩm phán như vậy là cần thiết, cùng với đó cần có sự giám sát việc tuân thủ để Tòa án thật sự là nơi để người dân đến tìm công lý.

Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán: Cần mang tính hướng dẫn, khuyến nghị và đề cao tính ràng buộc nghề nghiệp

PGS.TS Trần Văn Độ phát biểu tại Hội thảo

Thẩm phán phải là nghề cao quý

Đồng thuận với chủ trương ban hành chính sách và nhiều nội dung quy định trong bộ quy tắc, các ý kiến cho rằng cần làm rõ quy định về những chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của Thẩm phán như: Tính độc lập; sự vô tư, khách quan; liêm chính; công bằng, bình đẳng; lựa chọn các vấn đề nâng tầm thành chuẩn mực đạo đức, như sự tận tụy và không chậm trễ, năng lực và sự chuyên cần…

Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án; không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, địa vị cao quý của mình, phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.

Khi giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan. Thẩm phán không được lợi dụng địa vị của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác; không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ món quà, khoản thừa kế, khoản vay hay quyền lợi nào khác liên quan đến bất cứ điều gì mà Thẩm phán đã làm hoặc sẽ làm hoặc cố ý không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán. Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan hoặc là một hình thức có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán…

Ngoài ra, một số ý kiến còn cho rằng, Thẩm phán cần tránh trao đổi không chính thức với các bên và luật sư của họ, các cuộc gặp cần có triệu tập công khai và tiếp tại Tòa, tốt nhất nên quy định cụ thể hơn, ví dụ như: Nếu có nhu cầu cần thêm thông tin từ một đương sự, Thẩm phán phải triệu tập công khai đương sự đó đến Tòa và phải thông báo để các bên còn lại cùng biết; tuyệt đối không được tiếp đương sự một cách phi chính thức ngoài trụ sở Tòa án. Việc hành xử không thiên vị, khách quan là điều cần có của một Thẩm phán. Trong quá trình xét xử, Thẩm phán phải tự soi vụ án nào xung đột với mình hay không. Ví dụ như xử một vụ về chính công ty mà mình có cổ phần, nếu thấy nguy cơ không thể xét xử công bằng được thì phải báo cáo…

Đây không những là yêu cầu đặt ra đối với riêng Thẩm phán mà còn là chủ trương chung của Đảng về cải cách tư pháp của Tòa án hiện nay.

Nên khuyến nghị nhưng phải ràng buộc nghề nghiệp

PGS.TS Trần Văn Độ đề cập đến liêm chính và sự độc lập của Thẩm phán trong cải cách tư pháp. Thẩm phán phải có mức thu nhập cao mới có thể ổn định cuộc sống, không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền mới có thể chuyên tâm công tác. Ông cho rằng điều đó rất quan trọng và là mấu chốt của mọi vấn đề. Liêm chính phải được xây dựng và nuôi dưỡng, nếu Nhà nước không nuôi dưỡng tốt thì dễ nảy sinh tiêu cực. Dự thảo quy định Thẩm phán được viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác theo quy định của pháp luật nhưng tổng thu nhập của những hoạt động này không được vượt quá tổng lương và các phụ cấp của Thẩm phán như vậy là bị hạn chế.

Để ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra, PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng nên quy định Thẩm phán không được nhận quà biếu và lợi ích khác liên quan đến địa vị của mình; mà không giới hạn trong việc làm hay không làm một việc cụ thể. Ngoài năng lực, trình độ, Thẩm phán cần có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, dũng cảm ra phán quyết khi đúng đắn và thừa nhận sai sót nghề nghiệp của mình để tránh oan, sai, bảo vệ lẽ phải, công lý. Nên chăng cũng cần quy định lòng trắc ẩn, tính cảm thông, nhân đạo như là một phẩm chất của Thẩm phán. Bởi nếu thiếu những phẩm chất này thì phán quyết của Thẩm phán dễ khô cứng, được lý nhưng sẽ thiếu tình trong những trường hợp cần thiết.

Còn theo ông Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, mục đích của quy định thu nhập của Thẩm phán này là để họ phải toàn tâm, toàn ý vào nhiệm vụ của mình là chính; những hoạt động không thuộc nhiệm vụ của Thẩm phán không được ảnh hưởng đến thời gian dành cho công tác chuyên môn. Điều này là cần thiết, nhưng không nên quy định lấy tổng thu nhập của những hoạt động khác làm thước đo để hạn chế Thẩm phán không được làm những việc khác không phải nhiệm vụ của Thẩm phán, vì như vậy sẽ không phù hợp với thực tiễn và thiếu khả thi.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bất cứ nghề gì cũng cần có đạo đức của nghề đó, riêng với Thẩm phán thì đòi hỏi đạo đức phải ở một mức cao hơn. Tuy nhiên, đạo đức là vấn đề rất khó, xã hội hiện nay đang “hơi hoảng loạn” về điều này và ngành Tòa án phải đối mặt trước thực trạng đó để có cách xử lý tốt nhất.

Ồng cũng băn khoăn khi cho rằng, đạo đức của Thẩm phán hiện nay đang có vấn đề, chưa nhận được sự tôn trọng của người dân mà lẽ ra phải có. Để làm được điều đó, các Thẩm phán phải “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”; phải như những hòn đá để dân dựa vào. Tất cả các nước thành công trong khu vực (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…) đều tôn trọng các giá trị truyền thống, giữ được dáng dấp của một người làm quan rất đàng hoàng nhưng ở chúng ta thì còn hạn chế… Do vậy,  xây dựng bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán phải gắn với “lòng tự trọng làm quan” của từng người, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, với tư cách là Bộ quy tắc đạo đức, cần mang tính yêu cầu, hướng dẫn, khuyến nghị là chủ yếu. Không nên quy định trách nhiệm này, nghĩa vụ kia mà nên thể hiện theo hướng: Việc gì Thẩm phán cần làm, việc gì không nên làm, việc gì nên tránh; trong các mối quan hệ nên xử sự như thế nào cho phù hợp với chuẩn mực của chức danh tư pháp cao quý là Thẩm phán. Cũng không nên có những quy định mang tính bắt buộc mà nên đề cao tính ràng buộc bởi nghề nghiệp. Đã vào nghề Thẩm phán thì buộc phải chấp nhận những ràng buộc, thậm chí những hạn chế vì nghề, rất tự nhiên và tự nguyện.

Tại Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu. Đây đều là những góp ý mang tính xây dựng, có chất lượng, thể hiện chiều sâu, nội hàm của đạo đức Thẩm phán. Vì vậy, đề nghị bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán, trình lãnh đạo TANDTC ban hành.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán: Cần mang tính hướng dẫn, khuyến nghị và đề cao tính ràng buộc nghề nghiệp