Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Bổ sung quy định về người tham gia tố tụng

Phương Nam| 12/07/2018 06:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã bổ sung, quy định mới về người tham gia tố tụng nhằm đề cao quyền con người, quyền công dân trong suốt quá trình tố tụng.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Bổ sung quy định về người tham gia tố tụng

Hội đồng xét xử một phiên tòa hình sự

Đối tượng thuộc diện người tham gia tố tụng

BLTTHS năm 2015 đã bổ sung điều luật quy định về diện những người tham gia tố tụng. Trong đó, những chủ thể mới được quy định bổ sung gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người chứng kiến;  Người định giá tài sản; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Riêng các chủ thể: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự;  Bị hại; Người phiên dịch, người dịch thuật có sự bổ sung, thay đổi tên gọi cho phù hợp với tư cách mới. Theo khoản 1 Điều 62 BLTTHS năm 2015, người bị hại không chỉ là cá nhân bị thiệt hại mà còn bao gồm tổ chức bị thiệt hại. Cho nên, thuật ngữ “người bị hại” được sửa đổi, bổ sung thành “bị hại” để tránh nhầm lẫn với cách hiểu trong BLTTHS năm 2003.

BLTTHS năm 2015 còn giải thích rõ một số thuật ngữ liên quan đến người tham gia tố tụng; bổ sung khái niệm một số tư cách tham gia tố tụng hoặc sửa đổi, bổ sung một số khái niệm tư cách tham gia tố tụng đã được quy định trong BLTTHS năm 2003 cho phù hợp với quy định mới để có sự áp dụng thống nhất.

BLTTHS năm 2015 giải thích rõ một số thuật ngữ như người tham gia tố tụng, người bị buộc tội, đương sự. Theo đó, “người tham gia tố tụng” là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015; “người bị buộc tội” gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; “đương sự” gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Luật quy định bổ sung khái niệm một số tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người chứng kiến, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương.

Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm tư cách tham gia tố tụng đã được quy định trong BLTTHS năm 2003 cho phù hợp với quy định mới là bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng, người giám định.

Quyền và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia tố tụng

BLTTHS năm 2015 đã quy định “người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố” là người tham gia và quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ thể này để phát huy vai trò của họ trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, cũng như bảo vệ quyền công dân tham gia vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt hiệu quả hơn. Theo Điều 56 BLTTHS năm 2015, chủ thể này có quyền:  Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ, có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm và trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.

Đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố: Đây cũng là chủ thể mới được bổ sung vào BLTTHS năm 2015. Điều 57 BLTTHS năm 2015 đã luật hóa quyền và nghĩa vụ của chủ thể này. Theo đó, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; trình bày lời khai, trình bày ý kiến; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng thời, chủ thể này phải có nghĩa vụ có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.

Với các quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, thấy rằng, họ cũng là một trong các chủ thể bị tình nghi phạm tội. Tuy nhiên, do các thông tin đánh giá vi phạm của họ chỉ là ở giai đoạn đệm để đi vào quá trình tiến hành tố tụng nên BLTTHS năm 2015 chỉ quy định các quyền của họ ở phạm vi có thể hạn chế những vi phạm của chủ thể tiến hành tố tụng. Chẳng hạn, họ chỉ có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, chứ không phải là tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa như người bị buộc tội.

Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt: BLTTHS năm 2015 đã bổ sung “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” là người tham gia tố tụng. Điều 58 BLTTHS năm 2015 đã quy định chủ thể này có các quyền cơ bản sau: Được nghe, nhận lệnh giữ, lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh bắt; được biết lý do mình bị giữ, bị bắt; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật; trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá; tự bào chữa, nhờ người bào chữa;  khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người. Bên cạnh đó, họ phải có nghĩa vụ chấp hành lệnh giữ người, lệnh bắt người và yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền giữ người, bắt người theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Đối với người chứng kiến: BLTTHS năm 2015 đã bổ sung người chứng kiến là NTGTT và quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ thể này. Theo đó, người chứng kiến có các quyền quan trọng sau:  yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;  xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người chứng kiến có nghĩa vụ:  có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu cầu; giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng kiến;  trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 còn quy định những người không được làm người chứng kiến gồm: người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;  người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc; người dưới 18 tuổi;  có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Bổ sung quy định về người tham gia tố tụng