Bộ luật Hình sự năm 2015: Tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC| 15/01/2018 20:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLHS năm 2015 đã sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích cho người bị kết án theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống.

Nội dung sửa đổi, bổ sung quy định rõ những trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích; rút ngắn thời hạn để được xóa án tích; xác định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với quy định của BLHS năm 1999.

Xóa án tích (Chương X)

Xóa án tích được quy định tại Chương X của BLHS năm 2015 gồm 5 điều luật (từ Điều 69 đến Điều 73) quy định các vấn đề liên quan đến xoá án tích, các trường hợp không bị coi là có án tích. So với BLHS 1999, về cơ cấu, số lượng và tên các điều luật không có gì thay đổi. Trong chương này có 4 điều (Điều 69- Xoá án tích; Điều 70- Đương nhiên được xoá án tích; Điều 71- Xoá án tích theo quyết định của Toà án; Điều 73- Cách tính thời hạn để xoá án tích) được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các điều tương ứng của BLHS năm 1999 và có 1 điều (Điều 72- Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt) được giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999.

Bộ luật Hình sự năm 2015: Tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng

Trao quyết định tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân cải tạo tốt

BLHS năm 2015 đã sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích cho người bị kết án theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống. Nội dung sửa đổi, bổ sung quy định rõ những trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích; rút ngắn thời hạn để được xóa án tích; xác định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với quy định của BLHS năm 1999. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận xoá án tích đối với người được đương nhiên xoá án tích, đồng thời giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận "không có án tích”, nếu họ có đủ điều kiện do luật định; bổ sung quy định về xóa án tích trong trường hợp phạm nhiều tội.

Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71) quy định về điều kiện xóa án tích đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXIV (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh). Cũng tương tự như quy định về đương nhiên xóa án tích, những nội dung mới của BLHS năm 2015 về xóa án tích theo quyết định của Tòa án tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, bổ sung cách tính thời hạn xóa án tích đối với người bị kết án phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ , phạt tù có thời hạn nhưng hưởng án treo nhằm khắc phục hạn chế của BLHS năm 1999 là chưa quy định trường hợp này (điểm a khoản 2 Điều 71). Thứ hai, rút ngắn thời hạn để Toà án xem xét, quyết định xóa án tích từ các mức 3 năm, 7 năm và 10 năm giảm xuống với các mức tương ứng là 3 năm, 5 năm và 7 năm. Theo quy định tại Điều 71 thì trong thời hạn 1 năm (đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 3 năm (đối với trường hợp bị phạt tù đến 5 năm; 5 năm (trong trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm); 7 năm (trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án) kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo mà người bị kết án chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới thì Toà án xem xét, quyết định xóa án tích. Thứ ba, thời điểm để tính thời hạn xóa án tích là kể từ thời điểm chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo.

Xóa án tích đối với người chưa thành niên

Xóa án tích đối với người chưa thành niên bị kết án theo quy định của BLHS năm 1999 bao gồm hai hình thức như đối với người đã thành niên. Đó là đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án. So với người đã thành niên phạm tội thì các quy định này chỉ có một điểm khác là thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với người chưa thành niên thấp hơn so với người đã thành niên.

Điều 107 của BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến quy định về xoá án tích đối với người chưa thành niên và quy định rõ 3 trường hợp người chưa thành niên bị kết án được coi là không có án tích. Theo đó, người bị kết án là người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; người bị kết án là người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý; người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Quy định về xoá án tích đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ áp dụng hình thức đương nhiên xoá án tích cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng để phù hợp hơn với thực tiễn. Ngoài ra, khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2015 cũng quy định rõ điều kiện để người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được đương nhiên xoá án tích là không thực hiện hành vi phạm tội mới nếu  trong thời hạn 6 tháng (đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo); 1 năm (đối với trường hợp bị phạt tù đến 5 năm); 2 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm); 3 năm (trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm) tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Hình sự năm 2015: Tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng