Bộ luật Hình sự 2015: Cần sửa đổi, bổ sung Điều 21 cho phù hợp

Th.s Dương Ngọc An| 07/12/2016 09:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) quy định về “Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành, điều luật này hiện nay còn một vài bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 21 BLHS 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Năng lực trách nhiệm hình sự được phân tích từ các yếu tố cấu thành tội phạm, do đó, BLHS không cần đưa ra khái niệm thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự. Một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội (xâm phạm khách thể bảo vệ trực tiếp của BLHS) sẽ không bị coi là tội phạm khi không thỏa mãn cấu thành tội phạm, chứ không phải phạm tội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 BLHS 2015 chính là một trong các dạng cụ thể của việc không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm do không thỏa mãn về mặt chủ thể tội phạm. Nếu điều luật chỉ quy định “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” là mâu thuẫn với cấu thành vi phạm pháp luật và các trách nhiệm pháp lý nói chung, với cấu thành tội phạm và các trách nhiệm pháp lý tương ứng nói riêng, bởi các lý do sau đây:

Bộ luật Hình sự 2015: Cần sửa đổi, bổ sung Điều 21 cho phù hợp

Một phiên tòa hành chính

Thứ nhất, hành vi vi phạm pháp luật trước hết phải là hành vi trái pháp luật mà thỏa mãn các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật cụ thể. Xét về mặt chủ quan và biểu hiện khách quan thì một hành vi pháp lý sẽ thể hiện lý trí và ý chí của chủ thể thực hiện. Do đó, không thể cho rằng một người không có năng lực trách nhiệm pháp lý nói chung, năng lực trách nhiệm hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính nói cụ thể, lại có thể được coi là “thực hiện” một hành vi mang tính pháp lý tương ứng đó. Vấn đề là các yếu tố cấu thành từng loại vi phạm pháp luật, đặc điểm từng loại vi phạm pháp luật cụ thể và yếu tố loại trừ nó.

Thứ hai, điều luật quy định “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội…” là quá chung chung, vì bất cứ một hành vi trái pháp luật nào (dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế, lao động), thậm chí cả hành vi vi phạm quy phạm đạo đức, tôn giáo, gia đình... cũng có thể coi là nguy hiểm cho xã hội, khác chăng chỉ là sự phân biệt mức độ nguy hiểm cho xã hội, luật hóa hay chưa, sự điều chỉnh, cơ chế điều chỉnh, chế tài...

Thứ ba, theo quy định của BLHS, đối với các tội có lỗi cố ý trực tiếp, rất nhiều trường hợp có sự dự mưu, có các giai đoạn thực hiện tội phạm và có nhiều hành vi phạm tội (kể cả hành vi trái pháp luật hình sự mang tính kéo dài). Đối chiếu với Điều 21 BLHS, chẳng hạn một người khi chuẩn bị thực hiện tội phạm thì có năng lực trách nhiệm hình sự. Nhưng khi họ đang hoặc đã hoàn thành hành vi đó và chưa kết thúc thì họ bị mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Với giả định trên thì xem ra quy định “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” không bao quát các trường hợp xảy ra từ thực tế.

Thứ tư, bệnh tâm thần là cách gọi một loại bệnh lý nhưng với nhiều dạng cụ thể. Đối với trường hợp mắc một “bệnh khác”, nhà làm luật không thể liệt kê vì còn phụ thuộc vào quá trình tìm hiểu, khám phá cơ thể con người và điều trị, bảo vệ sức khỏe con người gắn với điều kiện kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật của y học. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, cần hướng dẫn “bệnh khác” là bệnh gì để áp dụng - là bất cập vì không thể hướng dẫn hết được, nếu hướng dẫn sẽ có thể làm oan, bỏ lọt.

Thứ năm: Một hành vi phạm tội bị xử lý, nếu gây ra hậu quả thiệt hại về dân sự thì quá trình tố tụng sẽ được giải quyết cả trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, hoặc nếu cần thiết, sẽ được tách ra để giải quyết theo quy định của tố tụng dân sự (Điều 28 BLHHTS 2003) và trách nhiệm pháp lý khác. Nếu một hành vi trái pháp luật hình sự thì vẫn có thể chịu trách nhiệm pháp lý khác, kể cả trách nhiệm dân sự. Do vậy, một hành vi trái pháp luật hình sự được loại trừ trách nhiệm hình sự do không bị coi là tội phạm, chứ không phải có trách nhiệm hình sự nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Từ các lý do trên, về kỹ thuật lập pháp cũng như để phù hợp với khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 BLHS 2015, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 21 thành: “Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Người mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự không bị coi là tội phạm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Hình sự 2015: Cần sửa đổi, bổ sung Điều 21 cho phù hợp