Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, BLTTHS 2015 đã có những quy định mới, cụ thể hơn về khởi tố, điều tra vụ án hình sự.
Khởi tố vụ án hình sự
BLTTHS năm 2003 chủ yếu căn cứ vào tiêu chí chủ thể để xác định tố giác, tin báo về tội phạm. Theo đó, quy định tố giác là của công dân; tin báo là của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, không có sự phân biệt giữa “thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm” với “thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm”.
BLTTHS năm 2015 quy định rõ tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền; tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm; cơ quan kiến nghị khởi tố phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan.
Công bố quyết định khởi tố vụ án vụ chôn chất thải có nguồn gốc từ Formosa
BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể trách nhiệm và thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, công an phường, thị trấn, đồn công an, công an xã, các cơ quan, tổ chức khác. Đồng thời bổ sung quy định “trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là đối với những tin giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, cần phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa phương, BLTTHS 2015 tăng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố lên tối đa là 4 tháng (BLTTHS năm 2003: tối đa là 2 tháng). Đồng thời, bổ sung thời hạn phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tối đa 1 tháng.
BLTTHS năm 2015 bổ sung quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố nhưng hết thời hạn luật định mà chưa có kết quả. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn, tránh việc kéo dài thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm.
BLTTHS năm 2003 chỉ quy định “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”. BLTTHS năm 2015 bổ sung 3 điều luật để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố; quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát phải giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.
Điều tra vụ án hình sự
BLTTHS năm 2003 quy định “Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra”; “Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra”.
BLTTHS năm 2015 quy định chặt chẽ những vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra, bao gồm: Vụ án liên quan đến nhiều huyện; vụ án có yếu tố nước ngoài; phạm tội có tổ chức. Quy định chặt chẽ và cụ thể những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp trung ương. Theo đó, Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án sau: Vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
BLTTHS năm 2015 bổ sung và quy định cụ thể một số biện pháp điều tra như biện pháp nhận biết giọng nói, định giá tài sản và quy định cụ thể thủ tục tiến hành các biện pháp này.
Đối với quy định về giám định, BLTTHS năm 2003 chỉ có 5 điều luật quy định về giám định, còn thiếu nhiều quy định về thời hạn giám định, giám định lại trong trường hợp đặc biệt... BLTTHS năm 2015 xây dựng 10 điều luật điều chỉnh đầy đủ các nội dung liên quan đến giám định; bổ sung đầy đủ những vấn đề cần phải trưng cầu giám định; phân nhóm hợp lý các vấn đề cần trưng cầu và quy định thời hạn giám định cho từng nhóm; bổ sung những người có quyền yêu cầu giám định trên cơ sở giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng; xác lập cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình trưng cầu và sử dụng kết quả giám định.
Theo đó, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong thời hạn 24 giờ phải gửi quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định cho Viện kiểm sát, trong thời hạn 7 ngày phải thông báo kết luận giám định cho người tham gia tố tụng; quy định cụ thể thành phần và thủ tục giám định bổ sung và giám định lại; bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định. Theo đó, quy định trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC có quyền quyết định giám định lại và kết luận giám định trong trường hợp này có hiệu lực để giải quyết vụ án.
BLTTHS năm 2015 bổ sung mới 8 điều luật để quy định các vấn đề cụ thể liên quan đến định giá tài sản trong tố tụng hình sự như yêu cầu định giá tài sản, thời hạn định giá tài sản, tiến hành định giá tài sản, định giá lại tài sản, định giá lại tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn, định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt, kết luận định giá tài sản, quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản.
Để tránh tình trạng kéo dài thời hạn trên thực tiễn, đề cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, BLTTHS 2015 lượng hóa cụ thể một số thời hạn tố tụng. Trong BLTTHS năm 2003, một số thời hạn còn mang tính định tính như gửi ngay, thông báo ngay. BLTTHS năm 2015 lượng hóa cụ thể các loại thời hạn này (Điều 474, thay giải quyết ngay bằng trong thời hạn 24 giờ; Điều 481, thay xem xét, giải quyết ngay bằng trong thời hạn 24 giờ...).
BLTTHS năm 2003 chỉ quy định tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra. BLTTHS năm 2015 bổ sung trường hợp khi yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra.
BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được phép áp dụng bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; quy định chặt chẽ các trường hợp áp dụng chỉ đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng; về thẩm quyền áp dụng phải có quyết định của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên và được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; về thời hạn áp dụng không quá 2 tháng, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra; quy định cho phép sử dụng làm chứng cứ đối với những thông tin, tài liệu thu thập từ biện pháp điều tra đặc biệt; đồng thời, quy định nghiêm ngặt việc sử dụng các thông tin, tài liệu nhằm bảo vệ bí mật riêng tư của các cá nhân, tổ chức.