BLTTDS 2015: Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án

Phương Nam| 16/07/2016 11:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án để phù hợp với Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan.

Bổ sung một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự

Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc cơ bản của TTDS, bao gồm: Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự; Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự; Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự; Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự; Tòa án xét xử tập thể; Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai; Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; Giám đốc việc xét xử; Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án; Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án; Việc tham gia TTDS của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Bảo đảm tranh tụng trong xét xử; Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự.

So với BLTTDS cũ, những nội dung mới quan trọng nhất về những nguyên tắc cơ bản của TTDS trong BLTTDS năm 2015, cụ thể là: Bổ sung nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, việc giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự (BLDS) và BLTTDS quy định (khoản 2 Điều 4).

Liên quan đến vấn đề này, BLDS năm 2015 đã quy định rõ nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, theo đó, Tòa án sẽ áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự. Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố. Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

BLTTDS năm 2015 còn bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”  nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

BLTTDS 2015: Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án

Một phiên tòa dân sự

Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án theo hướng tất cả những tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp theo quy định của luật thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác.

Quy định này nhằm tạo điều kiện để Tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; đồng thời, để phù hợp với nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Bộ luật này cũng bổ sung, quy định đầy đủ, cụ thể những loại tranh chấp và việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án bảo đảm phù hợp với luật nội dung đã quy định, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Thi hành án dân sự…

BLTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản hiện hành có liên quan; bổ sung quy định Thẩm tra viên, Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể này để phù hợp với Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014; bổ sung quy định Chánh án Tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên nhằm cụ thể hóa và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Bên cạnh việc tiếp tục kế thừa các quy định về thành phần giải quyết vụ việc dân sự của BLTTDS cũ, BLTTDS năm 2015 bổ sung quy định về thành phần Hội đồng xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn và thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, cụ thể là: Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do 1 Thẩm phán tiến hành; Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán hoặc toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao (Trường hợp nào xét xử bằng Hội đồng gồm 3 Thẩm phán, trường hợp nào toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tiến hành xét xử được quy định tại khoản 1 Điều 337).

Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phán TANDTC (Trường hợp nào xét xử bằng Hội đồng gồm 5 Thẩm phán, trường hợp nào toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC tiến hành xét xử được quy định tại khoản 2 Điều 337).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLTTDS 2015: Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án