BLDS 2015 bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng: Giải quyết thế nào cho phù hợp?

Nguyễn Thị Thảo Sương| 19/09/2017 14:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 đã bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng, vậy, di chúc chung vợ chồng được lập sau thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thì có được pháp luật ghi nhận hay không là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Tài sản chung của vợ chồng ở Việt Nam là một chế định rất phổ biến và các vấn đề pháp lý phát sinh từ đây cũng vô cùng phong phú. Một trong số đó là vấn đề di chúc chung của vợ chồng. Với bản chất là một khối tài sản chung hợp nhất, những bất động sản  của vợ chồng nên thường xuyên trở thành đối tượng của di chúc chung nhằm thể hiện sự “thuận vợ thuận chồng” truyền thống của người Việt Nam.

Quy định về di chúc chung của vợ chồng

Theo tiến trình phát triển lịch sử lập pháp, di chúc chung vợ chồng đã được thừa nhận chính thức kể từ năm 1981 bởi thông tư ban hành bởi TANDTC, sau đến là Pháp Lệnh thừa kế năm 1990, Bộ luật dân sự (BLDS)1995, Bộ luật dân sự 2005 vẫn tiếp tục kế thừa quy định này. Di chúc chung vợ chồng có những đặc trưng có thể kể đến như: (i) do hai ý chí cá nhân cùng tham gia định đoạt dựa trên mối quan hệ hôn nhân đang còn hiệu lực; (ii) dùng để định đoạt khối tài sản chung của vợ chồng; (iii) có hiệu lực không đồng thời với thời điểm mở thừa kế của bên chết trước.

Việc thừa nhận di chúc chung vợ chồng xuất phát từ tính ưu việt của nó trong việc duy trì tính thống nhất trong khối tài sản chung, thông qua quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc bắt đầu kể từ khi “bên sau cùng chết hoặc tại thời điểm hai vợ chồng cùng chết”. Theo đó, trong thời gian này, người còn sống được bảo vệ khá tốt trong khối tài sản chung cho đến khi họ qua đời, tránh tình trạng cuộc sống của người còn lại bị gián đoạn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật cũng như thực tiễn xét xử tại TAND các cấp về vấn đề di chúc chung vợ chồng lại phát sinh nhiều bất cập. Có thể kể đến như thời điểm có hiệu lực của di chúc chung vợ chồng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người còn sống, như trong trường hợp người còn sống gặp khó khăn, bệnh tật nhưng họ không thể chuyển nhượng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng. Thêm vào đó, thực tiễn đã có những câu hỏi xoay quanh trường hợp trong thời gian người vợ/chồng còn sống đã sử dụng di sản chưa phân chia vào sản xuất kinh doanh, thu được những lợi nhuận thì lợi nhuận phát sinh này được xem là di sản thừa kế hay thuộc quyền sở hữu của người vợ/chồng còn sống đó? Không những vậy, quy định về di chúc chung vợ chồng còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế của bên chết trước vì họ cũng phải chờ đến thời điểm di chúc chung có hiệu lực thì mới được phân chia di sản. Hơn nữa, điều này thực tế còn ảnh hưởng khá nặng nề đến lợi ích của các chủ nợ, đặc biệt là các ngân hàng; bởi lẽ, theo quy định, các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán trước khi chia di sản theo những thứ tự ưu tiên. Vấn đề được đặt ra là, người chồng/vợ chết trước có nghĩa vụ về tài sản với người khác do có hành vi gây thiệt hại, do vay tài sản… thì quyền tài sản của các chủ nợ đó được giải quyết như thế nào, khi mà những người thừa kế chưa được hưởng di sản? Người chồng/vợ còn sống có nghĩa vụ thanh toán cho các chủ nợ từ tài sản của người chết để lại với tư cách là người thừa kế hay là người được uỷ nhiệm, pháp luật thời bấy giờ vẫn không quy định cụ thể. Bên cạnh đó, việc tồn tại di chúc chung vợ chồng còn phát sinh nhiều vướng mắc trong quy định về thời hiệu thừa kế, khi trong một số trường hợp, khi người còn lại chết thì thời hiệu khởi kiện đối với di sản của người chết trước cũng đã hết.

Giải quyết thế nào khi BLDS 2015 bỏ quy định về di chúc chung của vợ chồng?

Xuất phát từ những bất cập vừa điểm qua, nhà lập pháp Việt Nam đã bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng trong BLDS 2015. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không đồng thời cấm việc lập di chúc chung vợ chồng.

Quan hệ vợ chồng là một quan hệ hết sức đặc biệt được gắn kết bằng một chất liệu mà pháp luật đôi khi cũng chưa thể can thiệp, đó là tình cảm gắn bó vợ chồng. Do đó, thực tế tại các văn phòng công chứng vẫn tiếp nhận các trường hợp vợ chồng có mong muốn lập di chúc chung cùng với nhau để định đoạt những tài sản lớn, mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là vật chất. Chính vì sự “bỏ quên” hoặc bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng của BLDS 2015 khiến cho các công chứng viên lúng túng, hình thành hai luồng quan điểm trái ngược giữa “pháp luật hiện hành không thừa nhận di chúc chung vợ chồng” và “pháp luật không cấm đồng nghĩa với việc vẫn chấp nhận giá trị của di chúc chung vợ chồng”. Bên cạnh đó, một cách khôn khéo, nhiều cặp vợ chồng đã lập những di chúc riêng nhưng tự nguyện ràng buộc nhau bằng quy định “Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia” (Điều 661 BLDS 2015). Như vậy, việc lập di chúc chung của vợ chồng có thể gián tiếp thực hiện, cụ thể được áp dụng theo cơ chế đồng sở hữu và theo ý chí của người lập di chúc có thể xác định thời hạn của chia di sản là sau khi đồng chủ sở hữu cuối cùng chết hoặc tại thời điểm tất cả đồng chủ sở hữu cùng chết.

Câu hỏi được đặt ra tại thời điểm này là: Di chúc chung vợ chồng được lập sau thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thì có được pháp luật ghi nhận hay không? Hay nói một cách khác là, nếu không có quy định cấm lập di chúc chung một cách minh thị thì liệu có được hiểu là không cho phép vợ chồng lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung hay không?

Trước hết, đi từ bản chất vấn đề, di chúc được định nghĩa “là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 624 BLDS 2015); ngoài ra, di chúc còn được ghi nhận là một dạng giao dịch dân sự, trên cơ sở Điều 116 BLDS 2015, “giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Một cách hợp lý, những điều luật trên chỉ thể hiện di chúc là “ý chí của cá nhân” chứ không bắt buộc là “ý chí của một cá nhân” nên hoàn toàn có thể hiểu vợ chồng được lập di chúc chung. Nói cách khác, hoàn toàn không đủ cơ sở để cho rằng pháp luật hiện hành cấm lập di chúc chung của vợ chồng.

Di chúc chung vợ chồng rõ ràng đã rơi vào vùng chưa có điều luật quy định cụ thể của pháp luật dân sự hiện hành. Do đó, hướng xử lý vấn đề sẽ được tiến hành theo tinh thần của BLDS 2015: Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng (Điều 6 BLDS 2015). Theo đó, trong trường hợp pháp luật chưa có những quy định ghi nhận một cách rõ ràng về giá trị pháp lý của di chúc chung vợ chồng thì Tòa án, mà cụ thể là những Thẩm phán, cần có những nhận định hết sức khoa học, khách quan và phù hợp nhằm đưa ra những phán quyết chính xác, cao hơn là những án lệ mang tính mẫu mực, đối với những vụ việc thực tiễn phát sinh tại Tòa án về vấn đề di chúc chung của vợ chồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLDS 2015 bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng: Giải quyết thế nào cho phù hợp?