Bàn về sự tương thích và mâu thuẫn giữa các quy định của BLTTDS với BLLĐ

Hoàng Hạnh| 13/05/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, thiếu sự thống nhất giữa chủ thể trong quan hệ lao động với chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự.

Theo quy định của Bộ luật Lao động (Điều 3) thể hiện: Các chủ thể - ngoài người lao động thì còn thể hiện người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, có thể hiểu rằng, các loại chủ thể này là khác nhau.

Tuy nhiên, BLTTDS lại chỉ xác định có ba loại chủ thể là “cá nhân”, “cơ quan”, “tổ chức” mà không có các loại đương sự là “doanh nghiệp”, “hợp tác xã”, “hộ gia đình”. Đây là sự không thống nhất giữa luật nội dung với luật tố tụng trong thời gian qua. Do vậy, nếu các loại chủ thể “doanh nghiệp”, “hợp tác xã”, “hộ gia đình” là một bên tranh chấp với người lao động hoặc với các loại chủ thể khác (ví dụ: Cơ quan bảo hiểm xã hội) thì việc Tòa án xác định tư cách đương sự của họ có sự vênh so với BLTTDS.

 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định nội dung khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tại các Điều 130, 131, 132. Theo đó, người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người đang bảo lưu đóng bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện tại Tòa án khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm. Tuy nhiên, luật không đề cập đến vai trò của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc khởi kiện người sử dụng lao động nếu có hành vi vi phạm về pháp luật lao động, ví dụ trong trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Bàn về sự tương thích và mâu thuẫn giữa các quy định của BLTTDS với BLLĐ

Một phiên tòa dân sự

Giữa BLTTDS và BLLĐ năm 2012 đã có sự thống nhất trong việc xác định tranh chấp bảo hiểm xã hội là tranh chấp lao động. Tuy nhiên, BLLĐ năm 2012 và BLTTDS chỉ nêu chung chung là tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, không thể hiện cụ thể tranh chấp giữa các đối tượng nào như quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 151 BLLĐ năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, dẫn đến tình trạng có các quan điểm khác nhau trong việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với các vụ án cơ quan bảo hiểm xã hội đòi các doanh nghiệp trả tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc. Có quan điểm cho rằng đây là vụ án tranh chấp lao động, nhưng cũng có quan điểm xác định là vụ án dân sự với quan hệ tranh chấp là đòi tài sản.

Khoản 1 Điều 51 BLLĐ quy định thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc thẩm quyền của Thanh tra lao động và TAND. Tại Điều 12 Nghị định số 44/2013/Đ-CP quy định chi tiết một số điều của BLLĐ về hợp đồng lao động quy định “trường hợp không đồng ý với quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì người sử dụng lao động hoặc người lao động tiến hành khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Nghị định nêu trên cũng đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của Thanh tra lao động và hướng xử lý hợp đồng lao động vô hiệu. Tuy nhiên, BLTTDS chưa có quy định về thẩm quyền cũng như trình tự, thủ tục giải quyết loại việc này. Vì vậy, cần có quy định về nội dung này để có căn cứ giải quyết trong trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Tương tự như nêu trên, tại Điều 79 BLLĐ năm 2012 quy định thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu thuộc TAND nhưng BLTTDS cũng chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và hướng xử lý khi giải quyết loại việc này.

BLLĐ năm 2012 và Luật Công đoàn cũng đã có quy định về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện tại Tòa án, như là khởi kiện tại Tòa án với tư cách nguyên đơn trong vụ án tranh chấp lao động tập thể về quyền và với tư cách đại diện nếu được người lao động ủy quyền trong vụ án tranh chấp lao động cá nhân; quy định về điều kiện để được thụ lý các vụ án tranh chấp lao động tập thể cũng như trình tự, thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Các nội dung này chưa được thể hiện trong BLTTDS, trong khi đó, quy định này lại được thể hiện trong BLLĐ.

BLLĐ năm 2012 đã bỏ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng Hòa giải lao động cơ sở vì thực tiễn qua 15 năm thi hành BLLĐ năm 1994, kết quả giải quyết tranh chấp của Hội đồng này không có hiệu quả. Tuy nhiên, BLTTDS hiện hành vẫn còn thể hiện tại Điều 31 quy định về những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, theo đó vẫn quy định điều kiện để được Tòa án thụ lý trong một số vụ, việc nhất định phải qua hòa giải của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Từ đó, dẫn đến có Thẩm phán đã có sai sót trong thực tiễn khi hướng dẫn đương sự yêu cầu Hội đồng Hòa giải lao động cơ sở hòa giải, trước khi khởi kiện đến Tòa án, trong khi pháp luật về lao động đã bỏ quy định này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn về sự tương thích và mâu thuẫn giữa các quy định của BLTTDS với BLLĐ