TS. Đinh Thế Hưng: TANDTC ban hành 6 án lệ đầu tiên là bước đột phá trong cải cách tư pháp

PV| 09/07/2016 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, TANDTC đã ban hành 6 án lệ đầu tiên. Sự kiện này là kết quả của quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhiều năm của cơ quan xét xử cao nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp hình sự, Viện Nhà nước và pháp luật - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về vấn đề nêu trên.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc TANDTC ban hành 6 bản án lệ vừa qua?

TS. Đinh Thế Hưng: Tôi theo dõi việc áp dụng án lệ ở Việt Nam ngay từ khi vấn đề này còn là chủ trương. Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ đạo: "TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ... từng bước thực hiện công khai hóa bản án”. Việc TANDTC ban hành 6 bản án lệ đầu tiên là bước đột phá trong quá trình cải cách tư pháp cũng như thực hiện chức năng thực hiện quyền tư pháp, thực thi công lý của TAND mà Hiến pháp 2013 đã quy định.

Việc công bố và áp dụng án lệ ở Việt Nam sẽ khắc phục được tình trạng pháp luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, góp phần vào việc xét xử vụ án kịp thời, tăng cường vị trí, vai trò, sự độc lập của Thẩm phán trong quá trình xét xử và từ đó, công lý được bảo vệ.

PV: Ông có thể nói rõ hơn vai trò của án lệ đối với hoạt động xét xử của TAND hiện nay?

TS. Đinh Thế Hưng: TANDTC ban hành 6 án lệ đầu tiên là bước đột phá trong cải cách tư pháp

TS. Đinh Thế Hưng

TS. Đinh Thế Hưng: Án lệ ra đời xuất phát từ chính sự đa dạng, phức tạp và biến đổi không ngừng của các quan hệ xã hội, đồng thời cũng từ tính khái quát và trừu tượng của luật thành văn.

Nguyên tắc áp dụng án lệ còn gọi là nguyên tắc Stare decisis, có nghĩa là: Hai vụ việc với các tình tiết chính tương tự nhau sẽ phải có kết quả xét xử như nhau. Án lệ có thể được xây dựng trên cơ sở hai lý do: Thứ nhất là nó đặt ra một quy tắc xử sự hoàn toàn mới chưa từng có trong luật thành văn. Thứ hai, xuất phát từ một quy định có nhiều cách giải thích và vận dụng không giống nhau. Tòa án cấp trên buộc phải giải thích thống nhất bằng một vụ án cụ thể. Tòa án cấp dưới phải lấy đó để áp dụng cho những vụ việc tương tự.

Ở Việt Nam chúng ta, qua 6 án lệ vừa công bố, đặc biệt là án lệ thứ nhất về hình sự đi theo hướng này. Qua bản án này, TANDTC đưa ra cách giải thích về tình tiết cố ý gây thương tích dẫn đến chết người quy định tại khoản 3, Điều 104 Bộ luật Hình sự mà thực tiễn xét xử có những đánh giá và áp dụng không thống nhất.  

Như vậy, án lệ sẽ làm cho pháp luật ngày càng dễ hiểu, gần gũi với thực tiễn, tạo điều kiện cho Thẩm phán có thể giải quyết bất cứ một vụ việc nào mà không chờ văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó thực hiện nguyên tắc “bất khả thụ lý” mà Bộ luật Dân sự vừa quy định, đó là Thẩm phán không nại ra lý do không có luật để từ chối xét xử. Nếu không có luật thành văn, Thẩm phán có thể áp dụng nguyên tắc của luật, án lệ, lẽ phải, lẽ công bằng.

Bên cạnh đó, án lệ tạo ra sự thống nhất trong công tác xét xử giữa các cấp Toà án; đồng thời góp phần nâng cao trình độ của các Thẩm phán, luật sư. Bởi lẽ, để xây dựng và áp dụng án lệ, đòi hỏi Thẩm phán, luật sư, công tố viên phải ở tầm trình độ cao, nếu không muốn nói là thật uyên bác.

PV: Để tiếp tục xây dựng và áp dụng có hiệu quả án lệ ở Việt Nam trong thời gian tới, theo ông, chúng ta phải làm gì?

TS. Đinh Thế Hưng: Không phải bản án nào cũng trở thành án lệ, để được công nhận là án lệ, bản án đó phải theo quy trình rất chặt chẽ. Việc xây dựng và áp dụng án lệ trước hết nói đến vai trò của Thẩm phán bởi án lệ chính là luật do Thẩm phán ban hành, thông qua bản án của họ. Nó đòi hỏi các Thẩm phán phải có trình độ cao, có khả năng phân tích, đánh giá các bản án.

Việc xây dựng án lệ ngoài việc đòi hỏi cái đầu thông thái của đội ngũ Thẩm phán còn cần huy động sự tham gia của đội ngũ luật sư, kiểm sát viên. Bởi lẽ, bản án của Tòa án là kết quả hoạt động của nhiều chủ thể. Đó có thể là lập luận của luật sư, kiểm sát viên trong quá trình tranh tụng tại Tòa. Điều này phù hợp với nguyên tắc của tố tụng là bản án phải trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Bên cạnh đó, việc hình thành án lệ không thể thiếu sự tham gia của các nhà nghiên cứu luật học, bởi chính họ sẽ thẩm định, đánh giá bản án có trở thành án lệ được hay không trên cơ sở lý luận về pháp luật.

Việc áp dụng án lệ ở Việt Nam không phải là vấn đề quá mới đối với Thẩm phán. Trước đó, thông qua các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của TANDTC, thông qua tập quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được xuất bản, Thẩm phán của chúng ta đã có kỹ năng áp dụng nó. Tuy nhiên, trong thời gian tới, án lệ nhiều lên thì đòi hỏi sự tìm tòi, đọc các bản án và phân tích nó sẽ là thách thức không nhỏ đối với Thẩm phán.

Về lâu dài, việc áp dụng án lệ buộc người ta phải thay đổi cách đào tạo luật ở Việt Nam, đó là chú trọng đến giảng dạy pháp luật theo án lệ, tạo kỹ năng đọc, phân tích, áp dụng cho sinh viên, đồng thời cũng là đội ngũ cán bộ tư pháp trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Đinh Thế Hưng: TANDTC ban hành 6 án lệ đầu tiên là bước đột phá trong cải cách tư pháp