Sửa đổi BLTTHS: Biện pháp phòng và chống oan sai (kỳ 2)

T.S Từ Văn Nhũ| 28/03/2015 08:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại khoản 1 Điều 56 của BLTTHS hiện hành quy định người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân…

Thực tế tiến hành tố tụng các vụ án hình sự ở nước ta trong nhiều năm qua cho thấy số người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân tham gia tố tụng với tư cách là bào chữa còn rất ít, rất hiếm gặp, mà chủ yếu vẫn là các Luật sư làm người bào chữa trong các vụ án hình sự.

Tại khoản 2 Điều 59 BLTTHS  quy định: ”… Người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can…”. Đồng thời tại khoản 4 Điều 56 BLTTHS quy định “…Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do…”. Như vậy có nghĩa là một Luật sư đã có đầy đủ các giấy tờ liên quan đến việc bào chữa rồi nhưng còn cần phải vượt qua công đoạn “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa…” thì mới có thể thực hiện các nhiêm vụ của người bào chữa. Thực tế có nhiều Luật sư phàn nàn về sự vất vả của việc đi xin cái giấy chứng nhận bào chữa, bởi gặp phải những trường hợp đi xin xỏ nhưng bị người có trách nhiệm trả lời là sếp đi vắng, hay là sếp đi họp, hoặc là sếp đi công tác, thậm chí là sếp nghỉ vì bận việc nhà.v.v. Đặc biệt có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã làm sẵn biên bản ghi nhận sự từ chối luật sư bào chữa, rồi đưa cho đương sự ký và coi đây là sự tự nguyện, cam kết của đương sự là không mời luật sư để làm lý do trả lời cho việc từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Đây thật sự là mặt trái của cơ chế xin cho, là sự hạn chế của những thủ tục hành chính phiền toái, gây phiền hà không đáng có cho hoạt động tố tụng, làm cản trở đường tìm đến chân lý của các vụ án, cản trở hoạt động theo pháp luật của người bào chữa.

Sửa đổi BLTTHS: Biện pháp phòng và chống oan sai (kỳ 2)

Hiện nay những người bào chữa chủ yếu là các luật sư

Một người để được làm Luật sư phải có đầy đủ giấy tờ, chứng chỉ, xác nhận là đã học Đại học, có bằng cử nhân Luật trở lên, đã tốt nghiệp lớp đào tạo Luật sư và trải qua thời gian thử thách làm Luật sư thực tập đạt kết quả tốt; được Sở Tư pháp cấp phiếu Lý lịch Tư pháp, xác nhận không có tiền án, tiền sự. Chỉ khi có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn vừa nêu trình lên Bộ trưởng kèm theo đơn xin làm Luật sư, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Người có Chứng chỉ hành nghề Luật sư  do Bộ trưởng Bộ tư pháp cấp phải có đơn xin gia nhập Đoàn luật sư và phải được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định kết nạp vào Đoàn luật sư và phải được Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét, cấp thẻ Luật sư.

Như vậy có nghĩa là một người đã có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật mới được làm Luật sư; nhưng đến khi được đương sự hành nghề trong vụ án cụ thể thì lại bị làm phiền, lại phải xin xỏ một lần nữa. Đây thật sự là một rào cản, không đáng có, mà cần phải được xem xét, xóa bỏ, tránh phiền hà cho các luật sư hành nghề chân chính, tạo điều kiện thuận tiện cho các luật  sư hành nghề.

Thiển nghĩ trong vụ án cụ thể chỉ cần luật sư được đương sự mời làm người bào chữa cho mình, đồng thời luật sư xuất trình giấy chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc thẻ Luật sư là có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người bào chữa theo quy định của pháp luật, chứ không cần các thủ tục hành chính phiền hà khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi BLTTHS: Biện pháp phòng và chống oan sai (kỳ 2)