Sửa đổi BLTTHS: Biện pháp phòng và chống oan sai (kỳ 1)

T.S Từ Văn Nhũ| 22/03/2015 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm qua, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Bộ Chính trị, thực hiện quyết liệt chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các cơ quan Tư pháp đã có nhiều cố gắng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, hạn chế các vụ án bị oan sai.

Tuy nhiên, các vụ án oan sai vẫn còn là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Chúng ta chưa hết choáng váng  về vụ ông Nguyển Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án tù chung thân oan. Gần đây công chúng lại vô cùng xôn xao, về vụ một cán bộ ngân hàng ở Hà Nội đã bị tù oan gần một nghìn ngày, mới được TAND tp Hà Nội công khai xin lỗi  và nhận trách nhiệm sẽ bồi thường oan sai. Ở Sóc Trăng các cơ quan Tư pháp đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kết án oan trái đối với bẩy thanh niên về tội “hiếp dâm” và tội “giết người” ; các cơ quan Tư pháp ở Sóc Trăng cũng đã phải công khai xin lỗi và bồi thường cho những người bị oan trái này. Chúng ta còn đang hồi hộp, chờ đón xem các cơ quan Tư pháp giải quyết ra sao việc oan sai đối với các vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang, Hồ Duy Hải ở Tiền Giang. 

Sửa đổi BLTTHS: Biện pháp phòng và chống oan sai (kỳ 1)

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn là một trường hợp oan sai điển hình

Để tránh tối đa hiện tượng oan sai, giảm những bức xúc không đáng có cho người dân vô tội và xã hội, chúng tôi xin trao đổi một số ý kiến góp ý về sửa đổi BLTTHS theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Một cá nhân quyết định bắt người và tạm giam

Trong BLTTHS hiện hành, việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã được quy định tại Điều 82. Việc thi hành điều luật này, nói chung ít có ý kiến trái chiều. Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại Điều 81 và việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định Điều 80. Nghiên cứu các vụ án oan sai, chúng ta dễ nhận thấy những người bị oan trái khởi đầu đều bị bắt giam oan sai. Do vậy, vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nghiên cứu nội dung của các Điều 80 và Điều 81  BLTTHS và việc thực thi các Điều luật này, có những gì bất cập,không còn phù hợp với thực tế và cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh, nhằm tăng hiệu quả, chất lượng của điều luật, đồng thời tránh oan sai cho người dân vô tội nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm .

Tại khoản 1 Điều 81 BLTTHS quy định “Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm và xét cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi là thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ…”.

Đối chiếu với trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt giam oan sai, rồi dẫn đến phải ngồi tù oan  hơn 10 năm mới được trả tự do (đã nêu ở trên), chúng ta thấy  ông Chấn bị bắt sau khi vụ án giết người đã xẩy ra vài ngày trước đó, đặc biệt là không một ai trông thấy hoặc xác nhận rằng ông Chấn giết chị Hoan (người bị hại) và trên người  cũng như chỗ ở của ông Chấn cũng không hề có dấu vết của tội phạm,  cán bộ điều tra mới chỉ nghi là ông Chấn có mặt ở hiện trường, tại thời điểm xẩy ra vụ án.

Trường hợp của ông Trần Văn Chiến đang là Trưởng Công an xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang thì bị bắt giam, bị truy tố, xét xử, bị kết án tù chung thân về hành vi giết người. Ông Chiến đã thi hành xong bản án.  Đến khi nhân dân bắt được Trần Văn U, giao nộp cho cơ quan điều tra và Trần Văn U đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, đã thừa nhận chính U là thủ phạm giết anh Sên gần 20 năm trước, chứ không phải Trần Văn Chiến, thì các cơ quan Tư pháp mới bắt đầu quá trình xem xét lại vụ án và minh oan cho ông Chiến. Ở vụ án này, cơ quan điều tra chưa thu thập  đầy đủ tin tức về tội phạm và kẻ phạm tội, chưa bắt được nghi phạm, mà mới chỉ căn cứ vào lời trình bầy của ông Chiến là: “Thằng U nói với tôi, tao vừa giết thằng Sên, rồi chạy đi luôn”; không có nhân chứng nào, không thu được tang, vật chứng gì. Ấy vậy mà chỉ từ những suy luận không có căn cứ của cơ quan điều tra, dẫn đến việc bắt giam ông Chiến một cách oan trái, buộc cho ông một bản án tù chung thân và ông đã phải chịu cảnh bị hành hạ, tù đầy suôt 16 năm trời, đến khi được cho là mãn hạn tù mới được trả tự do.

Đến vụ án của bà Trần Thị Kim Hoan ở phường Cô Giang, bị bắt giam từ cuối tháng 5 năm 2004 bởi  lời khai của  những người thân trong gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lý cho rằng, họ mua bán ma túy nhiều lần với bà Hoan. Những người này là đối tượng của  đường dây ma túy, có người đã bị xử lý hình sự về tội ma túy; từ đó dẫn đến việc các cơ quan Tư pháp đã đổ lên đầu bà Hoan  bản án 10 tù giam về “tội mua bán trái phép các chất ma túy”. Sau đó những người thân của Nguyễn Thị Ngọc Lý thú nhận rằng do nghi ngờ bà Hoan có ngoại tình với chồng của  bà Lý, nên đã khai gian dối cho bà Hoan để trả thù. Sự vụ được xác minh, có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là bà Hoan không có quan hệ tình ái bất chính với chồng của Nguyễn Thị Ngọc Lý và cũng không liên quan gì đến việc mua bán ma túy, nên đến ngày 14/1/2009 bà Hoan  mới được tha tù.

Môt vụ án đau lòng khác: Tô Phương Trọng mới hơn 14 tuổi, đang học lớp 7, vào chiều ngày 5/11/2008 cùng đi chơi  hái cau với một cháu gái 5 tuổi ở cạnh bưu điện cũ của xã Tân Đức, chập tối có người gọi cháu gái về nhà ông ngoại. Tại đây gia đình có ý nghi cháu gái bị xâm hại nên đã mời chính quyền địa phương giải quyết. Trong suốt cả buổi làm việc Trọng đều trình bầy rằng không có hành động gì đối với cháu gái và chính cháu gái thì không nói gì về việc bị xâm hại. Ấy vậy mà hôm sau Trọng bị cơ quan điều tra lấy lời khai, rồi bị khởi tố, bị tạm giam hơn 1300 ngày, đến ngày18/6/2010 thì bị TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm, bị tuyên phạt 6 năm tù về tội hiếp dâm. Trọng liên tục kêu oan, ngày 25/11/2010 Tòa phúc thẩm TANDTC tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Khi xét xử lại vụ án  vào ngày 30/7/2013 TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên bố bị cáo không phạm tội và bản án này đã có hiệu lực pháp luật.  Tô Phương Trọng đã mất cả đời học sinh và đang loay hoay tìm cách để xin được bồi thường oan sai.

Từ các vụ án thí dụ nêu trên và nhiều vụ án  oan sai khác  đặt ra cho chúng ta câu hỏi, vì sao những công dân vô tội bị bắt giam oan trái? Do các quy định của pháp luật còn bất cập hay tại các cán bộ Tư pháp non kém?

Phải chăng những quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c của khoản 1 Điều 81 BLTTHS (đã nêu ở trên) có những nội dung rất trừu tượng mà việc áp dụng, thi hành lại rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp của người có chức trách, có quyền quyết định việc bắt giam. Việc khó khăn, phức tạp, liên quan tới sinh mệnh chính trị của công dân, nhưng pháp luật chỉ giao cho một cá nhân quyết định như quy định tại khoản 1 Điều 80 BLTTHS thì có đảm bảo cho quyền tự do dân chủ của công dân không?

Khoản 1 Điều 80 BLTTHS quy định: ”… Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can… để tạm giam:

a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

 Thiển nghĩ rằng, hai cái đầu chụm lại hẳn sẽ sáng suốt hơn một cái đầu, ba cái đầu chụm lại chắc chắn hơn một cái đầu.  Việc quyết định gia lệnh bắt giam đối tượng để phục vụ điều tra là việc khó khăn, phức tạp mà lại giao cho một người quyết định, một người phê chuẩn, không có sự tham dự của nghi phạm và luật  sư nên đã làm oan sai cho nhiều công dân vô tội; đã đến lúc cần thiết phải xem xét lại cơ chế này.

Hiến pháp của chúng ta trong tất cả các thời kỳ từ năm 1946 tới nay, cũng như các Bộ luật hình sự của chúng ta đều khẳng định người bị nghi là phạm tội và chưa có bản án có hiệu lực kết tội thì chưa bị coi là tội phạm, chưa phải là người phạm tội và hiển nhiên người đó  chưa bị mất quyền công dân  và cũng chưa bị hạn chế quyền công dân. Vậy vì sao  việc quan trọng liên quan đến sinh mệnh chính trị của  công dân là việc xem xét có  bắt giam công dân hay không  thì chính người công dân đó lại không được tham dự; kể cả những người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân đó cũng không được tham dự .

Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra chỉ  nghe cán bộ điều tra của mình báo cáo về vụ án và đề xuất, xin lệnh bắt tạm giam là đã có thể ký lệnh bắt tạm giam; còn việc phê chuẩn của Viện kiểm sát trong nhiều trường hợp chỉ là một sự đồng tình đơn thuần, thậm chí  có khi chỉ là hình thức? Chính việc người có chức trách, có quyền chỉ nghe báo cáo phiến diện, một chiều, mà chưa được nghe đầy đủ các luồng ý kiến về tội phạm  và nghi phạm theo các góc độ khác nhau một cách khách quan là một trong những nguyên nhân quan trọng  dẫn đến việc quyết định, phê duyệt  các lệnh bắt giam công dân vô tội oan trái. Chính việc bắt giam oan sai lại là khởi đầu của quá trình bức cung, ép cung, nhục hình diễn ra sau đó. Do vậy sửa đổi những quy định của BLTTHS, giảm được việc bắt giam oan sai thì ắt sẽ giảm được tình trạng ép cung, bức cung và nhục hình.

Nghiên cứu pháp luật và thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm ở một số nước trên thế giới, chúng tôi  thấy  việc xem xét, quyết định  có tạm giam nghi phạm hay không thông thường được tiến hành tại buổi làm việc có sự tham gia của chính nghi phạm và luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nghi phạm đó. Tại các buổi làm việc đó  thường do một Thẩm phán chủ trì; Điều tra viên trình bầy ý kiến đề xuất của mình về việc cần phải tạm giam nghi phạm để phục vụ công tác điều tra và những căn cứ pháp lý; nghi phạm và luật sư  có quyền trình bầy ý kiến của mình, trả lời các câu hỏi của các Điều tra viên, Công tố viên và của Thẩm phán, tranh luận về đề xuất của điều tra viên; Công tố viên phát biểu quan điểm về đề xuất của Điều tra viên; trên cơ sở tổng hợp tất cả các ý kiến theo nhiều khía cạnh khác nhau một cách khách quan, công khai, Thẩm phán có thể hỏi thêm bất kỳ ai về vụ việc để đưa ra quyết định cuối cùng có cần tạm giam nghi phạm hay không. Nếu tố tụng hình sự được sửa theo phương án này thì chắc chắn quyền tự do của công dân sẽ được đảm bảo hơn, sẽ hạn chế trường hợp bị giam oan sai và sẽ hạn chế cả trường hợp bị ép cung, bức cung, nhục hình.

Về thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 120 BLTTHS, trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần có thời gian dài hơn cho việc điều tra … thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Quy định này cũng cần phải sửa đổi theo hướng việc xem xét gia hạn tạm cũng phải được tiến hành tại các phiên họp họp có sự tham gia của nghi phạm, luật sư, dưới sự chủ trì của Thẩm phán nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai, khách quan, đảm bảo quyền công dân.

(Kỳ sau đăng tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi BLTTHS: Biện pháp phòng và chống oan sai (kỳ 1)