Quyền tư pháp trong tố tụng hành chính

Trần Quang Huy| 19/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyền tư pháp trong TTHC còn được hiểu là quyền tài phán hành chính, mà thực chất nội dung là quyền xét xử các vụ án hành chính.

Tòa án thực hiện quyền xét xử các vụ án hành chính là thực hiện quyền phán quyết về tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các chủ thể quản lý hành chính Nhà nước.

 Pháp luật quy định cho Tòa án có quyền xét xử các vụ án hành chính là đáp ứng nhu cầu khách quan của xã hội về sự bình đẳng, dân chủ giữa Nhà nước và công dân đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu về việc kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Trước năm 1996, ở nước ta chưa thực sự có hoạt động tài phán hành chính theo nghĩa xét xử các vụ án hành chính. Các hoạt động mang tính tài phán hành chính được thực hiện theo cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo mà thẩm quyền thuộc về hệ thống cơ quan hành chính, tức là không tồn tại cơ chế kiểm soát tư pháp đối với nền hành chính. Cơ chế giải quyết các tranh chấp hành chính bằng việc giải quyết các khiếu nại theo thủ tục hành chính đã giải quyết được một phần mâu thuẫn giữa Nhà nước và công dân; tuy nhiên, cơ chế này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định.

Về thực chất, việc giải quyết khiếu nại theo thủ tục hành chính là cơ chế giải quyết các tranh chấp hành chính trong nội bộ cơ quan Nhà nước theo hệ thống thứ bậc hành chính, không thể tránh khỏi tính ràng buộc của quan hệ cấp trên, cấp dưới. Trong cơ chế này, người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng đồng thời là người bị khiếu nại, do đó càng có nguy cơ khó khăn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại khi có tranh chấp xảy ra. Hơn nữa, cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính theo thủ tục hành chính cũng dễ dẫn đến tâm lý người dân đi khiếu nại không tin tưởng có thể giải quyết được khách quan, công bằng.

Để khắc phục bất cập trên, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX, ngày 28/10/1995, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức TAND được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/1996 đã xác định Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam. Tòa án có nhiệm vụ xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế, hành chính theo quy định của pháp luật. Như vậy, hệ thống Tòa án đã chính thức được trao quyền xét xử các tranh chấp hành chính theo thủ tục tố tụng. Để triển khai thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính theo thủ tục tố tụng tại Tòa án, ngày 21/7/1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi bổ sung lần 1 vào ngày 25/12/1998); sửa đổi bổ sung lần 2 vào ngày 5/4/2006). Pháp lệnh này đã đánh dấu bước quan trọng trong việc thiết lập một cơ chế tài phán hành chính ngoài hệ thống hành chính ở Việt Nam. Để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết vụ án hành chính, Luật TTHC được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 đã mở rộng hơn thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính tại Tòa án.

Việc thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước trước pháp luật, mở rộng phạm vi xét xử của Tòa án, cho phép Tòa án không chỉ phán quyết về tính hợp pháp của hành vi do người dân thực hiện mà còn phán quyết về tính hợp pháp của hoạt động quyền lực do các chủ thể nhân danh Nhà nước thực hiện là một bước tiến trong việc hoàn thiện pháp luật. Vì nhiều lý do khác nhau, các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do các chủ thể quản lý hành chính thực hiện có thể trái pháp luật, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức là đối tượng bị quản lý. Vì vậy, Nhà nước phải là người có trách nhiệm xem xét về tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các chủ thể quản lý. Việc giải quyết các tranh chấp hành chính này bằng cách đưa ra các phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính được hiểu là hoạt động tài phán hành chính. Tài phán được hiểu là “phán xử phải, trái, đúng, sai”; tài phán là quyền luôn gắn với Nhà nước, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước phải duy trì trật tự, công bằng xã hội.

Quyền tư pháp trong tố tụng hành chính

Một phiên tòa hành chính (Ảnh minh họa)

Hiện nay, việc kiểm soát tính hợp pháp của hoạt động hành chính đồng thời tồn tại các phương thức: Phương thức giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thủ tục hành chính; phương thức thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nội bộ cơ quan hành chính Nhà nước; phương thức xét xử án hành chính bởi Tòa án theo thủ tục TTHC. Tuy nhiên, việc giải quyết bằng tài phán hành chính thông qua hoạt động xét xử các vụ án hành chính do Tòa án thực hiện theo trình tự TTHC và thực chất là Tòa án thực hiện quyền tư pháp để xét xử các vụ án hành chính nhằm đưa ra các phán quyết về tính hợp pháp của các các quyết định hành chính, hành vi hành chính đang được người dân lựa chọn ngày càng nhiều. Các phương thức giải quyết khiếu nại hay thanh tra, kiểm tra, trong nội bộ hệ thống cơ quan hành chính, thực chất chỉ được xem là khâu cuối của quy trình quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý.

Theo Tiến sỹ Trần Thị Hiền, Phó trưởng Khoa Pháp luật hành chính, Đại học Luật Hà Nội: Trao quyền xét xử các vụ án hành chính cho Tòa án là một cơ chế nữa để kiểm soát tính hợp pháp của hoạt động quản lý hành chính, có nghĩa là Tòa án dùng quyền tư pháp của mình để phán quyết về tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các chủ thể quản lý hành chính Nhà nước. Khi thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính, Tòa án chỉ có quyền phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện mà không có quyền phán quyết về tính hợp lý của quyết định hành chính hành vi hành chính. Khi có căn cứ chứng minh quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật thì Tòa án chỉ có quyền tuyên hủy một phần hoặc tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính mà không có quyền sửa quyết định hành chính bị kiện. Nếu chứng minh hành vi hành chính bị kiện là trái pháp luật thì Tòa án sẽ tuyên buộc các cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước phải chấm dứt hành vi trái pháp luật, buộc người bị kiện phải thực hiện trách nhiệm công vụ của mình. Sự quy định này xuất phát từ nhiệm vụ của Tòa án là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi thành viên trong xã hội. Mặt khác, hoạt động tài phán hành chính thuộc quyền tư pháp, nên không thể thay thế hoạt động quản lý hành chính và cũng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý hành chính.

Hiện tại, TANDTC đang tiến hành xây dựng Dự án Luật TTHC (sửa đổi)  theo hướng mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Quyền tư pháp trong TTHC được mở rộng sẽ tạo cho Tòa án sự chủ động trong việc bảo vệ chế độ XHCN, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm trình tự và thủ tục TTHC dân chủ, công khai; đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác, công minh, đúng pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền tư pháp trong tố tụng hành chính